Tôi thích học sinh dám hỏi và dám...cãi
Cô Phạm Thị Nhuần- giáo viên trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn đã nghiệm ra điều đó sau 9 năm giảng dạy ở đây.
Học sinh dám hỏi, dám “cãi” là động lực để giáo viên tự hoàn thiện
Thời gian vừa qua, giáo viên cả nước nhốn nháo với việc học các chứng chỉ, rồi việc thăng hạng.
Khoảng 2.000 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội dù sắp bước vào năm học mới nhưng vẫn chưa rõ số phận mình sẽ đi về đâu.
Họ không biết sắp tới có còn được đứng trên bục giảng và nhận về những đồng lương còm cõi.
Tất cả những câu chuyện thời sự đó của nhiều giáo viên lại dường như chẳng ảnh hưởng gì đến các giáo viên có năng lực chuyên môn, yêu nghề mến trẻ ở trường tư.
Đối với các giáo viên trường tư, thời điểm này, các thầy cô chỉ cần nạp thật nhiều năng lượng để chuẩn bị cho năm học mới, nghĩ cách làm mới các giờ học, cùng nỗ lực và đồng hành với các học sinh của mình.
Cô Phạm Thị Nhuần – giáo viên Vật lý trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm – Hà Nội), người đã đã có 9 năm giảng dạy tại trường mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng nhấn mạnh: “Tôi thấy bản thân may mắn vì đã dám dời trường công sang trường tư dạy.
Nếu ở trường công chưa chắc con người tôi được năng động, có cú hích để thay đổi, để mỗi ngày cố gắng hoàn thiện bản thân, hoàn thiện chuyên môn cùng học sinh tiến bộ.
Nếu như ở trường công, có thể tôi đã không được như bây giờ, không có cơ hội để thay đổi bản thân, thay đổi quan điểm giáo dục học sinh".
9 năm trước, cô Nhuần là một giáo viên trường công ở tỉnh Thái Bình chuyển công tác lên Hà Nội.
“Lúc đó trong đầu tôi luôn mặc định là chỉ giảng dạy một năm ở trường tư sau đó sẽ xin vào trường công.
Thế nhưng, cuối cùng kế hoạch của tôi đã thay đổi. Có nhiều điều rất khác biệt khi tôi về dạy ở trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn khi đó.
Ở trường công, cảm nhận của tôi là học sinh rất sợ giáo viên, thầy cô nói gì các em thường nghe đấy. Rất hiếm khi các em cãi về kiến thức hay hỏi về những điều giáo viên giảng trên lớp. Nhưng sang trường tư là một môi trường khác biệt luôn.
Các em tự tin chia sẻ, dám nói điều mà các con suy nghĩ, dám “cãi”, dám hỏi thầy cô về những điều thầy cô nói.
Chính sự trao đổi thẳng thắn, cởi mở đó khiến cô trò trở nên gần gũi. Tôi không chỉ dạy kiến thức cho học sinh, mà có động lực để tự học, tự hoàn thiện mỗi ngày”, cô tâm sự.
Dần dần, chính những trải nghiệm đó đã giữ chân cô giáo trẻ tiếp tục gắn bó với trường.
“Cơ sở vật chất đầy đủ của trường là điều kiện thuận lợi cho giáo viên đổi mới cách dạy, áp dụng mô hình STEM vào bài giảng.
Bản thân tôi là giáo viên Vật lý có rất nhiều kiến thức mới cập nhật mỗi ngày. Muốn trả lời các thắc mắc của học sinh, tôi luôn phải tự tìm hiểu, đọc thêm thông tin.
Nhiều khi các con hỏi những nội dung mà mình chưa cập nhật, tôi cũng hài hước “khất” các con.
Sau đó, tôi tìm hiểu và trao đổi, chia sẻ lại với học sinh để cô trò cùng hiểu. Tiết dạy nào mà học sinh không hỏi, giáo viên có khi lại thấy nhớ”, cô Nhuần vui vẻ tâm sự.
9 năm giảng dạy ở trường, cô Nhuần đã quen với việc học sinh thẳng thắn đưa ra nhận xét về thầy cô.
Các con sẵn sàng khen cô giáo của mình mặc đồ đẹp và cũng chẳng ngại ngần nếu cô mặc một bộ đồ có sự kết hợp không hợp thời trang lắm.
Cô Nhuần nhớ lại: “Học kỳ đầu tiên, tôi thực sự thấy hơi sốc. Nhưng dần dần, ở trường cùng các con cả ngày, cùng ăn, cùng ngủ với các con nên cơ hội để chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau nhiều hơn. Nó đã làm thay đổi quan điểm giáo dục tồn tại nhiều năm khi tôi dạy trường công.
Năm thứ hai giảng dạy ở trường, tôi bắt đầu nhận công tác chủ nhiệm. Có thêm nhiều thời gian gắn bó với các con khiến tôi yêu quý chúng từ tâm và tự bản thân thấy phải thay đổi để phù hợp với phương châm giáo dục của nhà trường, phù hợp giáo dục đổi mới.
Quan trọng nhất là thay đổi để mang lại nhiều giá trị nhất cho các con. Từ bản thân, tôi muốn thay đổi để chinh phục các con bằng kiến thức, bằng sự chân thành, gắn bó”.
May mắn vì đã dám thay đổi
Cô Nhuần chia sẻ, nhiều phụ huynh tâm sự là họ có phần “ghen tỵ” với giáo viên chủ nhiệm. Các con học bán trú vì vậy cô giáo có nửa ngày gắn bó cùng các con, quan sát, trò chuyện, tâm sự với các con nhiều hơn cả bố mẹ.
Những tâm tư đó của phụ huynh khiến cô Nhuần vừa vui vừa thấy trọng trách nặng nề của người giáo viên chủ nhiệm.
Mỗi giáo viên vừa là người dạy kiến thức nhưng cũng phải là người bạn, người thân để giúp đỡ, tư vấn, uốn nắn những nếp sống cho các con phù hợp.
Cô Nhuần nhận ra khi tiếp xúc với phụ huynh cho con theo học ở trường, đa số không quá nặng nề về thành tích học tập của các con. Phụ huynh muốn con mình học thật, kết quả thật và hoàn thiện các kỹ năng sống.
“Vì vậy, bản thân giáo viên chúng tôi cũng xác định phương châm đó để dạy các con, Quan trọng là các con học được gì, làm chủ kiến thức đến đâu, tiến bộ ra sao.
Chúng tôi đánh giá học sinh theo sự tiến bộ của chính các con. Ví dụ vào lớp 6 các con về kiến thức đạt được đến đâu, đến cuối năm sẽ đánh giá các con hơn lúc vào trường thế nào, đặc biệt về ý thức đạo đức, rèn luyện ra sao.
Đơn giản, trên lớp, chúng tôi rèn rất kĩ về nếp sống. Các con ở trường cả ngày, từ việc sắp xếp sách vở vào ngăn bàn, đứng lên phải có ý thức đẩy ghế, kéo ghế ra sao để không ảnh hưởng đến người khác.
Dù là những chi tiết nhỏ trong cuộc sống nhưng chúng tôi đều để ý để hướng dẫn các con”, cô Nhuần kể.
Các con cố gắng và thầy cô cũng phải nỗ lực hoàn thiện. Bên cạnh sự tự học hỏi, tự hoàn thiện, nhà trường cũng hỗ trợ giáo viên rất nhiều. Các dịp hè trường đều tổ chức các lớp tập huấn cho thầy cô: Làm sao để học sinh tôn trọng, thực sự phục giáo viên từ kiến thức đến lối sống.
Đặc biệt, giáo viên nói thì phải làm, làm gương để học sinh noi theo chứ không áp đặt các em.
Nữ sinh từng giành 11,3 tỉ đồng học bổng tại Mỹ tiết lộ bí quyết thành công
Cô Nhuần chia sẻ, việc đơn giản như các quy định trong lớp học cũng được bàn thảo rất kỹ.
Vào đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm cùng phụ huynh và các con luôn có một buổi sinh hoạt để thảo luận về các giao ước chung trong năm học.
Các phụ huynh, học sinh thấy các giao ước đó là thỏa đáng sẽ thống nhất thành một nội quy chung của lớp học.
Nếu trong năm học mà các con vi phạm thì cứ thế thực hiện nên thường giáo viên không phải quát mắng hay căng thẳng khi các con vi phạm nội quy.
“Mỗi sự thay đổi phải cần có một cú hích. Và cú hích giúp tôi thay đổi quan điểm giáo dục, thay đổi tích cực bản thân đến từ chính quyết định của 9 năm trước - chuyển sang giảng dạy ở một trường tư.
Cảm ơn những trải nghiệm quý giá ở trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Nhờ có những trải nghiệm đó mà tôi luôn yêu nghề, luôn trân quý công việc của mình mỗi ngày”, cô Nhuần chia sẻ.