Tối ưu hóa cảng biển để giảm chi phí logistic của nền kinh tế
Cần tối ưu hóa tối ưu hóa hệ thống cảng biển để khai thác hết tiềm năng lợi thế không chỉ cho các địa phương mà phải nhìn rộng cho cả vùng và đất nước
Cần tối ưu hóa tối ưu hóa hệ thống cảng biển để khai thác hết tiềm năng lợi thế không chỉ cho các địa phương mà phải nhìn rộng cho cả vùng và đất nước, từ đó đầu tư các cảng có quy mô đủ lớn và cơ chế quản lý phù hợp; phát triển hệ thống logistic gắn với hệ thống cảng biển để góp phần giảm chi phí logistic cho xã hội.
Đây là ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại buổi làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) về triển khai thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; kết luận số 57-KL/TW ngày 16/9/2019 của Bộ Chính trị về việc “Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”…
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng lưu ý, DN cần cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là cảng biển, logistic và vận tải biển – các lĩnh vực lưỡng dụng kinh tế quốc phòng. Đây là là lĩnh vực Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển và cũng là hướng đi kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết, Ban Chấp hành Trung ướng Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định rõ: “Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đối với ngành Kinh tế hàng hải: Trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế”.
Tập trung “hình thành tập đoàn kinh tế mạnh của Quân đội làm nòng cốt trong phát triển kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng trên các vùng biển đảo; xây dựng phát triển các đoàn kinh tế - quốc phòng trên biển, trước mắt ưu tiên xây dựng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Trường Sa; có cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân vươn khơi, bám biển, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo”.
Đại diện TCT TCSG cho biết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hệ thống cảng biển hiện có. Đầu tư phát triển các cảng nước sâu, trọng điểm. Tận dụng tất cả tiềm năng và dự địa của dịch vụ logistics dể phát triển hiệu quả hơn. Bên cạnh đó mở rộng dịch vụ khai thác dầu khí cũng như du lịch và dịch vụ biển…
Đặc biệt, DN sẽ ưu tiên ứng dụng KHCN theo tận dụng phát huy các thành tựu của CMCN 4.0 trong quá trình chuyển đổi số của DN, nhất là việc xây dựng mô hình cảng thông minh, phát triển thương mại điện tử, tự động hóa từng phần, từng bước, có thể có khu vực tự động hóa hoàn toàn…
Thời gian tới, DN sẽ tập trung phát triển bền vững trên 3 trụ cột kinh doanh: khai thác cảng; dịch vụ logistics; vận tải và các ngành kinh tế biển… gắn với nhiệm vụ QSQP. Trở thành tập đoàn kinh tế - quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics.