Tôi yêu nghề làm báo
Cơ duyên gắn bó với nghề báo của tôi bắt đầu cách đây hơn 10 năm, khi có người bảo 'học văn đi làm báo cũng hợp'. Thế rồi, sau khi tốt nghiệp cử nhân văn học, tôi nộp hồ sơ xin vào thử việc tại Báo Sơn La với một tâm thế đầy háo hức...!
Thời gian làm báo chưa lâu so với nhiều đồng nghiệp, nhưng những năm tháng gắn bó với nghề đã cho tôi nhiều trải nghiệm. Bước chân vào nghề, tôi mới thấy hết được vai trò của báo chí cũng như thấu sự vất vả, khó khăn, đối mặt với cả nguy hiểm. Và mỗi chuyến công tác về cơ sở, đều đầy ắp kỷ niệm vui, buồn không thể nào quên.
Tháng 9/2008, chuyến công tác đầu tiên, tôi được một đồng nghiệp lớp trước cho đi tác nghiệp cùng tại Bắc Yên. Thời điểm đó, hai xã Mường Khoa, Tạ Khoa bị mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tuyến quốc lộ 37 từ ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn) vào xã Mường Khoa bị sạt lở nghiêm trọng. Tôi và đồng nghiệp đi bộ gần nửa ngày đường để tới “rốn lũ” Mường Khoa. Dọc đường cảnh tượng tan hoang, bùn đá sạt xuống nhiều điểm chúng tôi phải lội bùn cả trăm mét, có đoạn vừa đi qua, núi tiếp tục sạt xuống như muốn cản bước chân người qua đường. Những khó khăn của chúng tôi chẳng thấm vào đâu so những mất mát của người dân do mưa lũ gây ra.
Bởi lũ quét năm đó đã khiến 3 người ở Mường Khoa bị thiệt mạng; hàng trăm hộ dân bị vùi lấp nhà cửa, hoa màu, ruộng vườn bị vùi lấp khiến ai cũng xót xa. Những hình ảnh chân thực nhất về thiệt hại của người dân, tình người nơi “rốn lũ” đã được chúng tôi ghi lại phản ánh kịp thời trên báo điện tử, báo in của Báo Sơn La, giúp người dân vùng lũ nhận được quan tâm chia sẻ của các cấp, chính quyền và người dân trong và ngoài tỉnh về cả vật chất, tinh thần để người dân vượt qua khó khăn...
Rồi chuyến đi đến bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, bản xa xôi, khó khăn nhất của huyện Bắc Yên, vùng đất quanh năm sương mù bao phủ, nơi có những cây pơ mu hàng trăm năm tuổi. Ngày đó, Làng Sáng chưa có đường đi thuận lợi như bây giờ. Để vượt qua cung đường mòn hơn 20 km từ trung tâm xã Háng Đồng đến bản Làng Sáng, chúng tôi mất 1 ngày đường đi bộ qua những khu rừng, dốc núi dựng đứng và trơn trượt. Tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc Mông nơi đây và được cảm nhận tình cảm của bà con dành cho mình trong suốt chặng đường, tôi đã thực sự xúc động và yêu nghề hơn. Những bài viết về cuộc sống khó khăn của bà con nhân dân Làng Sáng đăng tải, bản đã được các cấp quan tâm, đầu tư nhiều hơn, cuộc sống bà con cũng bớt khó khăn.., đó cũng chính là những niềm vui và tự hào của những người làm báo như chúng tôi.
Đặc biệt đối với cá nhân tôi, rất vinh dự và tự hào khi đầu năm 2019, được tham gia cùng phóng viên các cơ quan báo chí toàn quốc tham gia cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân thuộc Quân chủng Hải quân kiểm tra, tặng quà Tết cho các đảo thuộc quần đảo Trường Sa - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Trong hải trình hơn 20 ngày trên biển, tôi cùng 36 đồng nghiệp khác được biên chế theo tàu HQ-561, vượt qua muôn trùng sóng gió đại dương, đến các đảo và điểm đảo: Đá Lớn, Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao, Tốc Tan, Tiên Nữ, Núi Le và Phan Vinh. Suốt cuộc hành trình, cảm nhận sức sống mãnh liệt trên các đảo, sự quyết tâm, kiên cường của quân và dân Trường Sa. Chính tình yêu quê hương, ý chí kiên cường, lòng dũng cảm vô song của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đến từ mọi miền đất nước trên đảo xa… đã tạo thêm động lực cho chúng tôi yêu nghề hơn, có trách nhiệm với nhiệm vụ của những “chiến sỹ cầm bút”.
Anh em báo chí chúng tôi ai cũng muốn viết thật nhiều, ghi lại thật nhiều khoảnh khắc của mỗi hành trình mình đã trải qua. Bởi vậy, khi đến các đảo chìm, đảo nổi ai cũng say sưa chụp ảnh, ghi hình, rồi phỏng vấn các cán bộ, chiến sỹ, người dân trên các đảo, để khi trở về tàu lại cặm cụi hoàn thành tác phẩm. Những hôm sóng to, gió lớn, tàu nghiêng tròng trành, nôn nao say sóng, nhưng chúng tôi vẫn cặm cụi viết để phản ánh kịp thời những gì mình chứng kiến, cảm nhận. Đây chính là một trong nhiều kỷ niệm đầy cảm xúc mà tôi không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của mình...
Tuy khó khăn, vất vả và cả nguy hiểm, nhưng nghề báo đã và đang đem lại cho tôi nhiều niềm vinh dự tự hào khi những bài viết của mình được độc giả quan tâm, được cấp ủy, chính quyền kịp thời vào cuộc để giải quyết những khó khăn của bà con ở cơ sở. Rồi những lần, tác phẩm của mình được vinh danh tại các cuộc thi báo chí do Trung ương và tỉnh tổ chức, đó là niềm vui và tình yêu dành cho nghề càng sâu đậm hơn.
Nghề báo đã cho tôi những trải nghiệm thú vị về cuộc sống, giúp tôi bồi đắp bản lĩnh, ý chí của người làm báo Đảng khi vượt qua được những khó khăn và cám dỗ. Nghề báo đã giúp tôi tự tin dấn thân gắn bó, yêu công việc hơn. Nghề báo đã giúp tôi chuyên tâm sáng tạo không ngừng những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận xã hội, từng bước trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề để luôn xứng đáng là “những người lính trên mặt trận tư tưởng - văn hóa ”.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/toi-yeu-nghe-lam-bao-40504