Tôn Đông Á (GDA): Sẽ niêm yết trên HoSE, dự án 7.000 tỷ đồng đã có giấy phép đầu tư

Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA) cho biết dự án Nhà máy thép lá mạ Phú Mỹ với quy mô 7.000 tỷ đồng đã có giấy phép đầu tư. Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ giúp doanh thu của công ty tăng trưởng 5 - 10%/năm.

Vừa qua, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA - sàn UPCoM) đã tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư với loạt thông tin đang chú ý. Theo cập nhật từ Chứng khoán Rồng Việt, ban lãnh đạo Tôn Đông Á cho biết dự án Nhà máy thép lá mạ Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có giấy phép đầu tư trong quý 4/2024. Hiện công ty đang trong quá trình xin giấy phép xây dựng và dự kiến hoàn thành trong đầu năm 2025.

Theo đó, Tôn Đông Á kỳ vọng có thể đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 1 của dự án này trong quý 2 - 3/2026. Dự án Nhà máy thép lá mạ Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn triển khai, với tổng công suất thiết kế là 1,2 triệu tấn/năm.

Nhà máy mới được kỳ vọng sẽ giúp Tôn Đông Á duy trì tăng trưởng doanh thu trung bình 5 - 10%/năm.

Nhà máy mới được kỳ vọng sẽ giúp Tôn Đông Á duy trì tăng trưởng doanh thu trung bình 5 - 10%/năm.

Ban lãnh đạo Tôn Đông Á cũng cho biết dây chuyền sản xuất của nhà máy sẽ được đầu tư với công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo, nhằm đảm bảo các quy định về giảm lượng phát tại các thị trường xuất khẩu lớn.

Theo ước tính của Tôn Đông Á, nhà máy mới sẽ giúp doanh thu của công ty tăng trưởng trung bình 5 - 10%/năm. Tỷ trọng thị trường nội địa và xuất khẩu dự kiến sẽ duy trì ở tỷ lệ 50/50. Tuy nhiên, tùy tình hình thị trường mà công ty có thể chủ động nâng sản lượng nội địa lên chiến 60% tổng sản lượng.

Với các sản phẩm chất lượng cao, có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau như sản xuất ô tô, chế tạo thiết bị gia dụng… Dự án Nhà máy thép lá mạ Phú Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp Tôn Đông Á giảm bớt sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Trong đó, với sản phẩm thép chất lượng cao cho sản xuất thiết bị gia dụng, Tôn Đông Á cho biết giá bán sẽ cao hơn xấp xỉ 30% so với giá tôn mạ cho xây dựng. Về dài hạn khi nhà máy hoạt động ổn định, ROE của doanh nghiệp kì vọng có thể đạt trên 20%.

Về thị phần, ban lãnh đạo công ty chia sẻ, 30% sản lượng nội địa hiện nay đến từ các nhà cung cấp kém chất lượng do đó Tôn Đông Á tự tin có thể lấy được thị phần từ các doanh nghiệp này.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GDA của Tôn Đông Á từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GDA của Tôn Đông Á từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Năm 2025, Tôn Đông Á đặt mục tiêu sản lượng bán hàng đạt 820.000 - 840.000 tấn. Mức này tương đương với năm 2024 khi nhà máy đã hoạt động hết công suất. Biên lợi nhuận gộp dự kiến duy trì mức trên 8%.

Về thị trường tiêu thụ, công ty chia sẻ rằng vẫn đang tiếp tục cân bằng giữa thị trường nội địa và xuất khẩu ở tỷ lệ 50/50. Tuy nhiên, trong năm sau, Tôn Đông Á cho rằng thị trường nội địa sẽ khả quan hơn thị trường xuất khẩu (khi các quốc gia xuất khẩu có xu hướng thực hiện phòng về thương mại), qua đó có thể nâng tỷ trọng đơn hàng nội địa lên 60%.

Đối với việc áp thuế chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, ban lãnh đạo Tôn Đông Á kỳ vọng trong trường hợp áp thuế, sẽ chuyển một phần chi phí cho giá bán và tạo nên mặt bằng giá mới. Bên cạnh đó, công ty cũng hy vọng nguồn cung trong nước tăng lên sẽ đáp ứng được nhu cầu của các công ty tôn mạ nội địa.

Ban lãnh đạo Tôn Đông Á cũng cho biết công ty sẽ bắt đầu tiến trình nộp lại hồ sơ để niêm yết cổ phiếu GDA tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh trong năm 2025.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ton-dong-a--gda-se-niem-yet-tren-hose--du-an-7-000-ty-dong-da-co-giay-phep-dau-tu-129664.htm