Tồn tại, hạn chế đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông: Trách nhiệm thuộc về Bộ GD&ĐT

Giai đoạn 2015 – 2022, Nhà nước đã ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông là gần 214.000 tỷ đồng. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quá trình thực hiện đổi mới còn nhiều bất cập, trong đó có trách nhiệm rất lớn của Bộ GD&ĐT.

Ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Nghị quyết này ra đời trên cơ sở xem xét báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện 2 Nghị quyết 88 và 51 và từ ý kiến của thành viên Thường vụ Quốc hội.

Tại Nghị quyết, Thường vụ Quốc hội chỉ ra những tồn tại, hạn chế thuộc các nhóm vấn đề như văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; chương trình, SGK; cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên. Trong đó, Thường vụ Quốc hội khẳng định Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; về các tồn tại, hạn chế trong xây dựng, thực nghiệm, thẩm định chương trình, SGK, hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông; việc không tổ chức biên soạn được một bộ SGK; giá các bộ SGK, tỷ lệ chiết khấu cao; sai phạm trong in, xuất bản SGK; các dự án hỗ trợ đổi mới chương trình, SGK triển khai chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có sai sót, khuyết điểm trong quản lý.

Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội cho rằng cần xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan về việc không chấp hành Nghị quyết 88 về nội dung Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK. Kết quả của đoàn giám sát cũng khẳng định, việc biên soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều lúng túng.

Việc Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được 1 bộ sách của Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm Nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là quản lý, cập nhật, chỉnh sửa, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông, SGK; quản lý các rủi ro trong trường hợp không có SGK hoặc SGK không bảo đảm chất lượng, yêu cầu.

 Học sinh lớp 9 trong một tiết học Văn theo phương pháp giảng dạy mới Ảnh: Nghiêm Huê

Học sinh lớp 9 trong một tiết học Văn theo phương pháp giảng dạy mới Ảnh: Nghiêm Huê

Trong cấu phần vay vốn của Ngân hàng Thế giới để thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông có kinh phí dành cho Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Đây là phương án đã thiết kế trong Sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án được phê duyệt ngày 19/7/2016 trên cơ sở thống nhất với Ngân hàng Thế giới và các bộ, ban, ngành có liên quan.

Tuy nhiên, đến năm 2019, Bộ này cho biết phương án tuyển chọn tác giả viết 1 bộ SGK mẫu của Bộ GD&ĐT không thực hiện được do không tuyển đủ ứng viên. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết tác giả SGK đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu tổ chức biên soạn SGK từ đầu năm 2018. Bộ GD&ĐT khẳng định vẫn đảm bảo đủ SGK khi thực hiện chương trình mới, các bộ SGK bình đẳng. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm thẩm định SGK của các NXB và chịu trách nhiệm nội dung các SGK.

Nghị quyết của Thường vụ khẳng định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 chịu trách nhiệm về các tồn tại, hạn chế đối với SGK giáo dục phổ thông; phê duyệt SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa, lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông.

“Ma trận” lợi ích nhóm trong xuất bản, phát hành SGK

Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội khẳng định việc thực nghiệm SGK chưa được coi trọng đúng mức, thời gian ngắn, chưa bảo đảm yêu cầu về quy mô và chất lượng. Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa SGK chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn SGK, nhất là SGK Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11.

Cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới; việc mua SGK ngoài thị trường gặp khó khăn. SGK mới phát hành chậm, giáo viên có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Thông tư quy định về biên soạn SGK, Bộ GD&ĐT đã không quy định rõ về đối tượng không được tham gia Hội đồng thẩm định SGK, do đó đã không loại trừ khả năng những người có quan hệ gia đình, người có quyền, nghĩa vụ liên quan với tác giả SGK cũng được tham gia Hội đồng, không bảo đảm tính khách quan khi thẩm định.

Thường vụ Quốc hội cũng nhìn nhận giá bộ SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng gấp 2-4 lần giá bộ SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Số đầu SGK tăng, tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách. Giá SGK môn Tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần. Chi phí phát hành sách cao, chưa hợp lý đối với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua. Mức chi phí phát hành tối đa đối với SGK phục vụ năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 của NXB Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022 - 2023, đối với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Ngoài ra, môn tích hợp đang gây rất nhiều khó khăn cho các trường khi triển khai. Không giống với mục tiêu đề ra, môn tích hợp ở THCS chỉ là tập hợp kiến thức các môn học, sử dụng nhiều giáo viên để cùng giảng dạy. Không những thế, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình tại các địa phương hiện được thực hiện theo kiểu vừa chạy vừa xếp hàng.

NGHIÊM HUÊ - NGUYỄN HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ton-tai-han-che-doi-moi-chuong-trinh-sgk-giao-duc-pho-thong-trach-nhiem-thuoc-ve-bo-gddt-post1571219.tpo