Tổn thất vũ khí trong cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến châu Âu gặp khó khăn

Lượng vũ khí và đạn dược được sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đã vượt qua mọi con số ước tính. Điều này đã và đang gây áp lực lên chuỗi sản xuất, cung ứng đạn dược trên thế giới.

Cuộc xung đột tại Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ 2, đang thúc đẩy hoạt động buôn bán vũ khí trên toàn cầu, làm gia tăng nhu cầu về trang thiết bị quân sự không chỉ ở Nga, Ukraine mà còn trên toàn thế giới khi các quốc gia chuẩn bị sẵn sàng cho những kịch bản đối đầu có thể xảy ra.

Cả Nga và Ukraine đều chịu tổn thất lớn trong cuộc xung đột. Ảnh: Getty

Cả Nga và Ukraine đều chịu tổn thất lớn trong cuộc xung đột. Ảnh: Getty

Có thể nói, lượng vũ khí và đạn dược được sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đã vượt qua mọi con số ước tính. Điều này đã và đang gây áp lực lên chuỗi sản xuất, cung ứng đạn dược trên thế giới.

Đây không phải là vấn đề hiếm gặp. Trong lịch sử, quân đội các nước đôi khi thường không đánh giá chính xác mức độ đạn dược và vũ khí bị tiêu hao, do đó gặp nhiều khó khăn trong lập kế hoạch quân sự.

Tuy vậy, trong Thế chiến 1 và Thế chiến 2, nhiều quốc gia vẫn có thể duy trì lượng cung ứng trang thiết bị quân sự khổng lồ do các loại vũ khí thời đó khá đơn giản và không có nhiều bộ phận tinh vi, phức tạp như hiện nay. Xung đột Nga-Ukraine không chứng kiến tỷ lệ tổn thất vũ khí quy mô lớn như 2 cuộc chiến nêu trên. Nhưng sự mất mát những công nghệ tiên tiến có thể khiến các nhà hoạch định chính sách và chiến lược quân sự phải đau đầu.

NATO và một vài nước châu Âu khác đã chuyển giao rất nhiều khí tài quân sự cho Ukraine, từ thiết bị bảo hộ, hệ thống phòng không, máy bay không người lái, và gần đây là hàng loạt quyết định mang tính bước ngoặt nhằm cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tiên tiến hơn gồm tên lửa tầm xa, xe bọc thép và xe tăng hiện đại.

Song phương Tây vẫn thể hiện sự thận trọng trong quá trình chuyển giao do lo ngại căng thẳng leo thang với Nga, bất chấp sự hối thúc của Ukraine. Giới phân tích cho rằng, điều này có thể khiến Kiev giảm sự chủ động trên chiến trường và khiến Nga nhanh chóng giành lợi thế. Tổng thống Putin dường như đang đặt cược vào hơn 300.000 binh sỹ mới được huy động sau sắc lệnh tổng động viên một phần vào năm 2022 để củng cố lực lượng tại Ukraine.

Khi Nga phát động cuộc tấn công mới ở miền Đông, một số người cho rằng đã có những dấu hiệu cho thấy các lực lượng nước này sắp đạt được bước đột phá về quân sự mà ông Putin mong muốn bấy lâu nay, đặc biệt là giành quyền kiểm soát Bakhmut – thành phố có vai trò quan trọng về mặt chiến lược. Nhưng cũng có ý kiến tỏ ra hoài nghi, với lập luận rằng những tổn thất trong suốt 12 tháng qua có thể buộc Moscow phải xây dựng lại lực lượng từ đầu.

Tổn thất của cả Nga và Ukraine

Các trang web tình báo nguồn mở Oryx và Army Technology đã đưa ra ước tính về tổn thất của cả hai bên. Theo các trang mạng này, Nga đã triển khai 15.857 xe chiến đấu bộ binh và 1.391 máy bay kể từ tháng 2/2022. Tính đến tháng 12/2022, Moscow đã mất 794 xe chiến đấu bộ binh và 71 máy bay cũng như 91 khẩu pháo.

Trong khi đó, Ukraine đã triển khai 3.309 xe chiến đấu bộ binh và 128 máy bay. Thiệt hại đối với nước này tính đến tháng 12/2022 là 418 xe chiến đấu bộ binh, 55 máy bay và 92 khẩu pháo. Những thông tin về thiệt hại này chưa được nhà chức trách Nga và Ukraine xác nhận.

Việc mất đi những khí tài quân sự quan trọng có công nghệ phức tạp có thể khiến các chỉ huy trên chiến trường lo lắng về nguy cơ rủi ro khi trực tiếp hoặc gián tiếp đối đầu với đối phương. Nếu không có một lượng lớn vũ khí để thay thế, các thiết bị này có thể không được triển khai trong chiến đấu hoặc chỉ được sử dụng trong trường hợp đặc biệt.

Các quốc gia châu Âu hiện đang tìm cách tăng cường kho dự trữ vũ khí trong nước, đồng thời trang bị cho Ukraine các bệ phóng tên lửa và xe tăng. Đức là một trong những ví dụ điển hình. Chính phủ nước này đã gạt bỏ sự do dự đối với các vấn đề quân sự và cam kết chi 100 tỷ USD để tái trang bị cho quân đội. Phương Tây đang lo ngại kho dự trữ vũ khí của họ sẽ suy giảm nhanh chóng nếu không mở rộng sản xuất trong bối cảnh tốc độ sử dụng vũ khí của Ukraine hiện nay được đánh giá là nhanh chưa từng thấy ở châu Âu kể từ Thế chiến 2.

Giới chuyên gia cho biết, cố phiếu của các công ty vũ khí trên thị trường chứng khoán tăng lên tới mức cao nhất trong nhiều năm qua. Chỉ số trong lĩnh vực quốc phòng đã vượt trội so với chỉ số của các ngành sản xuất khác. Kevin Craven, người đứng đầu Tập đoàn ADS cho biết, điều này đã đảo ngược xu hướng được hình thành trước cuộc xung đột tại Ukraine. Ở thời điểm đó, mọi người đổ tiền để đầu tư vào lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp, thay vì ngành công nghiệp quốc phòng. Sau khoảng một năm, châu Âu nhận ra rằng nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của họ là bảo đảm an ninh và an toàn cho người dân. Điều đó yêu cầu phải thúc đẩy năng lực quân sự cũng như xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ.

Vẫn chưa rõ, liệu châu Âu có thể xoay chuyển được tình thế hay không khi ngân sách quốc phòng của các chính phủ có xu hướng sụt giảm kể từ sau Thế chiến 2, đặc biệt là sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong khi đó, khí tài quân sự ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Thời gian sẽ trả lời câu hỏi liệu các chỉ huy chiến trường có sẵn sàng sử dụng những thiết bị đắt đỏ và khó thay thế hơn hay không. Câu trả lời có thể làm thay đổi bản chất cuộc xung đột hiện đại và mang đến một định nghĩa khác cho cụm từ “chi phí chiến tranh”./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ton-that-vu-khi-trong-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-khien-chau-au-gap-kho-khan-post1005280.vov