Tôn thêm nét đẹp văn hóa đầu xuân
Từ lâu, tục mừng thọ đầu xuân là nét đẹp văn hóa thể hiện đạo lý 'uống nước nhớ nguồn', 'kính già trọng lão' tốt đẹp của dân tộc ta.
Những năm gần đây, thực hiện nếp sống văn minh ở cơ sở, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác tổ chức lễ mừng thọ nhằm giảm thiểu hủ tục, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh.
Mừng thọ theo nếp sống mới
Một chiều đầu xuân, chúng tôi có mặt tại UBND phường Láng Hạ (quận Đống Đa) để dự lễ chúc thọ của Chi hội Người cao tuổi 15, phường Láng Hạ. Trong không khí trang trọng và đầm ấm, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự phấn khởi lấp lánh trong ánh mắt của các bậc cao niên tham gia buổi lễ.
Ông Trịnh Kiểm (sinh năm 1944, con trai nhà yêu nước Trịnh Văn Bô) năm nay được mừng thọ 80 tuổi, xúc động chia sẻ: Việc tổ chức lễ mừng thọ chung vừa tạo không khí đông vui vừa tiết kiệm được thời gian, tiền bạc. Qua buổi lễ mừng thọ, ai cũng hồ hởi, phấn chấn động viên nhau sống vui, khỏe, có ích, xứng đáng là những “cây cao bóng cả” trong gia đình và xã hội.
Đặc biệt, năm nay, bên cạnh việc tổ chức mừng thọ, Chi hội Người cao tuổi 15 còn tổ chức mừng song hỷ cho các ông bà có thời gian sống bên nhau từ 40 năm trở lên. Ông Nguyễn Văn Hiển, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 15, phường Láng Hạ, chia sẻ: “Chúng tôi lồng ghép hoạt động này vào lễ mừng thọ với mong muốn giúp cho buổi lễ thêm phần trang trọng, ý nghĩa, đồng thời đây cũng là dịp biểu dương những tấm gương về giữ gìn hạnh phúc gia đình “trong ấm ngoài êm” để lớp trẻ noi theo”.
Mùa xuân Giáp Thìn 2024 này, toàn quận Đống Đa có 9.540 cụ có tuổi tròn, tuổi chẵn từ 70 trở lên được chúc thọ, trong đó có 57 cụ trên 100 tuổi, 50 cụ tròn 100 tuổi, 187 cụ 95 tuổi, 586 cụ tròn 90 tuổi. Riêng phường Láng Hạ có 540 cụ tuổi chẵn 70, 75, 80, 85, 90, 95 tuổi, trong đó có 52 cặp đôi được mừng song hỷ.
Theo ông Bùi Long Hòa, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi quận Đống Đa, mừng thọ là nét đẹp văn hóa của người Việt nên năm nào Ban Chấp hành Hội cũng hướng dẫn các phường tổ chức hoạt động này một cách trang trọng, ấm cúng, tiết kiệm, tránh rườm rà, phô trương, lãng phí.
“Nếu như các năm trước, lễ mừng thọ được tổ chức tại các phường thì những năm gần đây, lễ mừng thọ được đưa về các chi hội. Đây cũng là cách làm sáng tạo để buổi lễ diễn ra gần gũi, ấm cúng hơn. Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” đã làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của chính quyền và nhân dân trong phường. Nếu trước đây, một số gia đình lợi dụng việc tổ chức mừng thọ cho cha mẹ để phô trương, khoe mẽ, ăn uống linh đình, đáng phê phán; có gia đình còn mượn việc mừng thọ để tổ chức cờ bạc xóc đĩa, tổ tôm... gây mất an ninh trật tự thì giờ đây, các cụ được Chi hội Người cao tuổi tại các phường mừng thọ trong một buổi lễ trang trọng, sau đó về nhà cùng con cháu làm mâm cơm quây quần, vui vẻ bên nhau” - ông Bùi Long Hòa nói.
Góp thêm cho vẻ đẹp văn hóa Hà thành
Tìm hiểu một số lễ mừng thọ ở các địa phương cách xa trung tâm thành phố, chúng tôi nhận thấy hoạt động này diễn ra trong không khí ấm cúng, tiết kiệm. Cùng với việc tổ chức tại các nhà văn hóa, một số tổ dân phố còn tổ chức mừng thọ tại đình làng.
Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ) Trần Quang Huy, đây là cách tổ chức để buổi lễ thêm phần trang trọng, hơn nữa, việc tổ chức mừng thọ chung sẽ thúc đẩy tinh thần cố kết cộng đồng, tăng cường sự gắn bó trong nhân dân. Đặc biệt, chính quyền và người dân thôn An Hiền xác định tổ chức mừng thọ thì không được “hội nghị hóa” một cách cứng nhắc nên đã đưa vào chương trình các tiết mục ca hát, đọc thơ... để tạo không khí vui vẻ.
Ở một số địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã chung tay góp sức cùng Hội Người cao tuổi tổ chức lễ mừng thọ. Chị Đoàn Phương Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đồng Mai (quận Hà Đông) cho biết, chị em phụ nữ ở phường luôn sẵn sàng giúp đỡ người cao tuổi trong việc tổ chức các chương trình văn nghệ hay khâu hậu cần.
“Chúng tôi xác định việc tổ chức mừng thọ có trách nhiệm của hội phụ nữ các cấp. Bởi người cao tuổi là vốn quý của mỗi gia đình, mỗi tổ dân phố, phường, xã. Chúng tôi cũng tham mưu để Hội Người cao tuổi tổ chức mừng thọ để không nặng về hình thức, không tổ chức ăn uống kéo dài nhiều ngày gây tốn kém, lãng phí. Và, với sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, hiện nay không còn tình trạng “khao thọ” ăn uống linh đình như xưa” - chị Thảo nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thế Toàn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội Người Cao tuổi Hà Nội, bên cạnh những cách làm sáng tạo, hiện nay ở một số địa phương, việc tổ chức mừng thọ theo nếp sống mới còn được đưa vào hương ước của làng, tất cả coi đó như “nội quy bắt buộc” mà mỗi hộ gia đình đều thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm.
Ông Toàn khẳng định: “Lễ mừng thọ được coi là nghi lễ truyền thống thể hiện sự kính trọng và lòng hiếu thảo của con cháu đối với các bậc cao niên. Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm động viên các cụ sống vui, sống khỏe. Hà Nội là mảnh đất nghìn năm văn hiến, mang bản sắc, tinh hoa của người Việt nên lễ mừng thọ cũng phải trở thành những “điểm sáng” để các địa phương khác học tập, noi theo. Chính vì thế, tổ chức mừng thọ theo nếp sống mới hay đưa hoạt động mừng thọ vào hương ước của làng để lưu giữ nét đẹp văn hóa của ông cha cũng là một trong những cách để xây dựng người Hà Nội văn minh, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc”.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ton-them-net-dep-van-hoa-dau-xuan-661029.html