'Tôn trọng và tin cậy chính trị là nền tảng của quan hệ Việt Nam - Sri Lanka'

Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Sri Lanka đã trải qua 55 năm xây dựng, vun đắp và phát triển. Nền tảng của sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và tin cậy chính trị là nền tảng vững chắc, quyết định cho mối quan hệ này, không chỉ ở cấp độ chính phủ mà còn với từng người dân hai bên.

Trao đổi với phóng viên VOV, Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Trịnh Thị Tâm khẳng định, đây là thời điểm thuận lợi để hai bên đưa quan hệ sâu sắc, thực chất hơn.

Tài sản lớn nhất là sự tin tưởng lẫn nhau

Tròn 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sự tin cậy chính trị và gần gũi, tương đồng về văn hóa và lịch sử là một trong những tài sản lớn nhất của quan hệ Việt Nam - Sri Lanka. Đây là yếu tố giúp mối liên hệ giữa hai dân tộc được duy trì dù trải qua nhiều biến động và thử thách.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Sri Lanka tháng 10/2011.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Sri Lanka tháng 10/2011.

Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Trịnh Thị Tâm cho biết, trên thực tế, Sri Lanka và Việt Nam đã có mối liên hệ từ lâu đời trước khi bắt đầu quan hệ chính thức ở cấp lãnh sự tháng 7/1964 khi Việt Nam thành lập Tổng Lãnh sự quán ở Colombo. Đến ngày 21/7/1970, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ, và mở cơ quan đại diện thường trú lần lượt tại Colombo năm 1971 và tại Hà Nội năm 2013. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lần lượt thăm Sri Lanka vào các năm 1976 và 1978. Sử sách ghi lại ít nhất 3 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Sri Lanka vào các năm 1911, 1928 và 1946.

Theo đại sứ Tâm, cần nhắc lại rằng, người dân Sri Lanka từng hết mình ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Trong những năm 1960, rất nhiều thanh niên, sinh viên Sri Lanka đã xuống đường phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Còn Việt Nam cũng tích cực ủng hộ Sri Lanka trong cuộc chiến chống chống lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE), xây dựng hòa bình và ổn định đất nước. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được Chính phủ Sri Lanka thông báo về thắng lợi trước lực lượng LTTE. Nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Sri Lanka ngày này vẫn dành nhiều tình cảm yêu mến và sự quý trọng đối với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù chưa một lần đặt chân đến Việt Nam hoặc gặp Người.

"Về địa lý, lịch sử, văn hóa và tôn giáo, Việt Nam và Sri Lanka có nhiều điểm tương đồng, góp phần tạo nên sự gần gũi và gắn bó tự nhiên. Cả hai nước đều nằm trên những con đường biển huyết mạch thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có đường bờ biển dài và vùng Đặc quyền kinh tế rộng lớn; đều nằm ở khu vực nhiệt đới, gió mùa, và cùng là các nước có nền nông nghiệp và thủy sản phát triển. Trong suốt quá trình lịch sử, cả hai dân tộc đều đã từng là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân trong nhiều thập kỷ. Do vậy, có sự đồng cảm sâu sắc và ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cũng như công cuộc tái thiết và phát triển đất nước sau này. Phật giáo là tôn giáo chính, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội tại cả Việt Nam và Sri Lanka và đang trở thành một cầu nối quan trọng trong quan hệ hai nước", Đại sứ Trịnh Thị Tâm phân tích.

Nhưng vượt trên tất cả, sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và tin cậy chính trị là nền tảng vững chắc, quyết định cho mối quan hệ này, không chỉ ở cấp độ chính phủ mà còn trong các mối quan hệ giao lưu nhân dân, không chỉ trong quá khứ mà còn ở hiện tại và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Việc duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc ở các cấp, các kênh; việc triển khai đều đặn các cơ chế hợp tác cũng như văn kiện đã ký kết; việc phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương; việc giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn, trong bảo vệ lợi ích quốc gia trên trường quốc tế… là các nội dung hai bên đã và đang tích cực triển khai để vun đắp và củng cố cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp này với tất cả sự chân thành, tin cậy và đồng cảm sâu sắc.

Nhiều tiềm năng hợp tác đang mở ra giữa Việt Nam và Sri Lanka

Với quan hệ chính trị tốt đẹp, nhiều điểm tương đồng về địa lý, lịch sử và văn hóa, Việt Nam và Sri Lanka có các điều kiện thuận lợi, tiềm năng và thế mạnh để thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó kinh tế, thương mại và đầu tư đang là các ưu tiên trong bối cảnh cả hai nước đều có nhu cầu và ưu tiên lớn về phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới các mục tiêu dài hạn là trở thành các quốc gia phát triển nhân kỷ niệm 100 năm lập quốc (với Việt Nam là năm 1945, với Sri Lanka là năm 1948). Để khai thác những không gian hợp tác này một cách hiệu quả, Đại sứ Trịnh Thị Tâm đưa ra 3 đề xuất cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Sri Lanka tháng 2/2013.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Sri Lanka tháng 2/2013.

Thứ nhất, do cơ cấu mặt hàng xuất khẩu giữa hai nước khá tương đồng, Việt Nam và Sri Lanka cần đẩy mạnh nghiên cứu các mặt hàng có thể bổ trợ nhau nhằm tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước, sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 1 tỷ USD như Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra. Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều biến động, hai nước có thể xem xét hình thức liên doanh khai thác, sản xuất, chế biến… tại chỗ để xuất khẩu sang một nước thứ ba nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, thời gian vận chuyển cũng như giảm hàng rào thuế quan. Hai bên cũng cần sớm khởi động đàm phán một Hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh kết nối (hàng không, hàng hải) nhằm tạo thuận lợi hơn cho giao thương; thúc đẩy trao đổi các đoàn doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, cũng như các phòng/hiệp hội thương mại.

Thứ hai, đầu tư giữa hai nước hiện khá khiêm tốn, chủ yếu là doanh nghiệp Sri Lanka sang đầu tư tại Việt Nam với gần 30 dự án vừa và nhỏ, trị giá khoảng 40 triệu USD. Giữa hai nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần năm 2005 và Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư năm 2009. Hai bên cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản thủ tục và tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hai nước, phấn đấu có các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, mang tính tiên phong, qua đó khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các thị trường của nhau.

Thứ ba, cùng với xu hướng phát triển của kinh tế khu vực và thế giới, hai bên cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo….

Ngoài ra, Việt Nam và Sri Lanka đều là những nền kinh tế đang phát triển với nhiều tiềm năng trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dược phẩm, phát triển cơ sở hạ tầng (trong đó có hạ tầng giao thông, đô thị, đường cao tốc, cảng biển, khu công nghiệp), logictics...

Sự khởi đầu cho giai đoạn hợp tác mới

Nhận lời mởi của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake sẽ tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nưỡc đến Việt Nam từ ngày 04-06/5/2025. Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Sri Lanka kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; đánh một dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ hai nước, mở ra nhiều cơ hội mới để thúc đẩy, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực.

Đại sứ Trịnh Thị Tâm cho rằng đây là thời điểm phù hợp để hai nước cùng nhìn lại chặng đường hơn 5 thập kỷ đã qua, và đề ra các phương hướng, mục tiêu lớn cho quan hệ hai nước trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, và bản thân Việt Nam và Sri Lanka đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới các mục tiêu phát triển lớn của mỗi quốc gia.

Về phía Việt Nam, chuyến thăm lần này sẽ là dip để chúng ta tái khẳng định sự coi trọng đối với Sri Lanka - nước bạn bè truyền thồng và đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Á; là cơ hội để thảo luận các tiềm năng và cơ hội hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực mà cả hai quốc gia đều có thế mạnh như thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thủy sản, du lịch, giáo dục, văn hóa, dược phẩm, năng lượng tái tạo… qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho cả hai nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thăm Sri Lanka tháng 3/2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thăm Sri Lanka tháng 3/2025.

Đối với Sri Lanka, việc Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake chọn Việt Nam là nước thứ tư để thăm sau khi nhậm chức (tháng 9/2024) cho thấy sự coi trọng đối với vai trò, vị thế của Việt Nam cũng như cam kết mạnh mẽ của Sri Lanka trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Việt Nam.

Cả hai nước cũng đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới thông qua hợp tác, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên Hợp Quốc, NAM, ARF, để cùng giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, tội phạm xuyên quốc gia…

Ngoài ra, nhân dịp này, Tổng thống Dissanayake cũng sẽ tham dự với tư cách là Khách chính và phát biểu tại lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ 20 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 06 - 08/5/2025. Việc Tổng thống Dissanayake nhận lời tham dự hoạt động này thể hiện sự gắn kết sâu sắc về Phật giáo và văn hóa giữa hai nước.

Đại sứ Tâm nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam và tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc của Tổng thống Sri Lanka lần này sẽ là sự khởi đầu cho một giai đoạn hợp tác sâu rộng hơn giữa Việt Nam và Sri Lanka, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ton-trong-va-tin-cay-chinh-tri-la-nen-tang-cua-quan-he-viet-nam-sri-lanka-post1196606.vov