Tôn vinh di sản văn hóa, lan tỏa tinh hoa làng nghề

Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025 chính thức khai mạc vào ngày 11.4 tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông với chủ đề đầy cảm hứng: 'Du lịch Hà Nội - Điểm đến di sản thế giới'.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Lễ hội

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Lễ hội

Dự chương trình có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong; Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu; Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ.

Về phía TP Hà Nội có Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Mạnh Quyền; giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang.

Tham dự còn có lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và địa phương; khách mời quốc tế cùng đông đảo doanh nghiệp du lịch, phóng viên báo chí, nhân dân địa phương và du khách.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu tham quan gian hàng tỉnh Phú Yên

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu tham quan gian hàng tỉnh Phú Yên

Hơn cả một hoạt động xúc tiến, Lễ hội là một hành trình kể chuyện bằng quà tặng, những vật phẩm chất chứa linh hồn của làng nghề, của phố cổ, của di sản và là lời mời gọi du khách đến với một Hà Nội vừa truyền thống, vừa đổi mới, vừa gần gũi mà cũng đầy bí ẩn.

Khi những sắc màu rực rỡ của các gian hàng làng nghề lan tỏa khắp không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm, khi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bát Tràng nhào nặn từng dáng gốm tinh xảo, khi dải lụa óng ả của Vạn Phúc khẽ bay trong nắng tháng Tư… đó không chỉ là hình ảnh của một lễ hội.

Đó là cuộc trở về đầy tự hào của những giá trị văn hóa ngàn năm của một Hà Nội thâm trầm, duyên dáng và sống động hiện lên từ chính những món quà tưởng chừng bé nhỏ.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025

Quà tặng - “đại sứ” của di sản

Với hàng nghìn làng nghề, Hà Nội là cái nôi hội tụ nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước. Trong đó, có hàng trăm làng có lịch sử hàng trăm năm, gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa – kinh tế của người Tràng An.

Chính những làng nghề ấy đã tạo nên một hệ sinh thái sản phẩm thủ công phong phú, mang đậm dấu ấn bản địa và tiềm năng trở thành “đại sứ du lịch” độc đáo.

"Diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 11-13.4), Lễ hội năm nay quy tụ 80 gian hàng, đại diện cho những tên tuổi nổi bật như: Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng thêu Quất Động; không gian Hà Nội xưa "Toa bao cấp"…", Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội

Những sản phẩm được chọn lọc không chỉ đạt trình độ thủ công mỹ nghệ cao, mà còn hàm chứa chiều sâu văn hóa, được “thiết kế” để trở thành món quà lưu niệm, quà du lịch mang bản sắc Thăng Long - Hà Nội.

Điểm nhấn của lễ hội là sự tôn vinh hai làng nghề Hà Nội vừa gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công và mỹ nghệ của UNESCO: Bát Tràng và Vạn Phúc.

Điều đó đã khẳng định đẳng cấp quốc tế của sản phẩm làng nghề Hà Nội và mở ra cơ hội hợp tác, quảng bá ở tầm khu vực và toàn cầu.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội

Không gian của trải nghiệm - Cơ hội của quảng bá

Lễ hội là nơi trưng bày sản phẩm và cũng là không gian sống động của văn hóa phi vật thể, với hàng loạt hoạt động trình diễn như múa rối nước, hát xẩm, ca trù, trò chơi dân gian, viết thư pháp, làm đồ chơi Trung thu truyền thống, biểu diễn nghề thủ công tại chỗ…

Mỗi tiết mục là một lát cắt tinh tế về đời sống tinh thần của người Hà Nội xưa và nay, đưa du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngưỡng mộ khác.

Đặc biệt, chương trình năm nay còn mở rộng mạng lưới kết nối với các địa phương như: Phú Yên, Cô Tô (Quảng Ninh)… góp phần làm phong phú thêm sản phẩm, tạo cơ hội giao lưu giữa các vùng miền, hướng tới phát triển du lịch liên vùng hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, các hoạt động chuyển đổi số trong du lịch như: QR giới thiệu sản phẩm, bản đồ làng nghề số, minigame tương tác trên nền tảng số… cũng giúp tiếp cận du khách trẻ, tăng cường trải nghiệm hiện đại mà vẫn giữ được tinh thần truyền thống.

Đông đảo khách mời, người dân và du khách tham dự Lễ khai mạc

Đông đảo khách mời, người dân và du khách tham dự Lễ khai mạc

Gợi mở cho Hà Nội - Thành phố của hàng trăm làng nghề “tụ hội”

Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội cần được định vị như “thương hiệu xúc tiến đặc trưng” của Thủ đô, nơi mà mỗi dịp tổ chức là hàng trăm làng nghề có thể quy tụ về, mang theo cả hồn cốt, bản sắc, kỹ thuật và tâm huyết của bao thế hệ thợ thủ công.

Với vị thế là trung tâm du lịch lớn, Hà Nội có thể xây dựng mô hình “Chợ phiên làng nghề 4 mùa”, tổ chức luân phiên trong năm theo mùa lễ hội - văn hóa - du lịch, để du khách trong nước và quốc tế có thể trải nghiệm một “Hà Nội thu nhỏ” qua từng món quà.

Các di sản văn hóa phi vật thể như: Nghi lễ và trò chơi kéo co, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Ca trù, Hát xẩm, Nghệ thuật thư pháp, Nghề rối nước… cần được gắn với sản phẩm cụ thể.

Ví dụ như tour trải nghiệm xẩm kết hợp với tặng quà lưu niệm in họa tiết dân gian; biểu diễn ca trù đi kèm workshop làm tranh Hàng Trống…

Người dân và khách du lịch tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ du lịch tại gian hàng của Tổng công ty Du lịch Hà Nội

Người dân và khách du lịch tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ du lịch tại gian hàng của Tổng công ty Du lịch Hà Nội

Để mỗi món quà là một “câu chuyện” Hà Nội

Quà tặng du lịch không chỉ là sản phẩm vật lý, mà là ký ức có thể cầm nắm được, nơi hội tụ chất liệu, kỹ năng, ký ức và cảm xúc. Đó cũng là nơi du khách mang theo một phần linh hồn Hà Nội về quê hương họ. Chính vì thế, cần định hướng phát triển quà tặng theo hướng thiết kế sáng tạo - đương đại hóa từ chất liệu truyền thống.

Chuyển đổi số trong quảng bá, bán hàng, đưa sản phẩm làng nghề lên nền tảng thương mại điện tử du lịch.

Đào tạo nghệ nhân, nhà thiết kế, người bán hàng cùng làm du lịch. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa nhà sản xuất, công ty lữ hành, trung tâm xúc tiến để xây dựng tour, combo trải nghiệm có quà tặng cá nhân hóa.

Lễ hội thu hút du khách ngay từ ngày đầu khai mạc

Lễ hội thu hút du khách ngay từ ngày đầu khai mạc

Từ quà tặng, khơi nguồn xúc cảm, giữ chân du khách

Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025 vừa là nơi để “xem và mua” vừa là nơi “chạm và nhớ”, nơi du khách đi từ xúc động tới gắn bó.

Từ những bàn tay thợ gốm Bát Tràng đến nét kim chỉ Vạn Phúc, từ bài ca xẩm ngân nga tới mùi thơm thảo mộc trong các sản phẩm quà tặng wellness… mọi giác quan đều được đánh thức để yêu Hà Nội hơn, không chỉ bằng mắt mà bằng cả trái tim.

Và mỗi mùa Lễ hội Quà tặng được tổ chức, không chỉ là một dịp lễ, mà là một sứ mệnh văn hóa: Tôn vinh di sản, tiếp sức cho làng nghề và khơi dậy khát vọng nâng tầm thương hiệu du lịch Thủ đô - một điểm đến không chỉ đáng đến, mà còn đáng nhớ, đáng yêu; có nhiều thứ đáng mua, đáng mang theo.

"Năm 2024, du lịch tiếp tục giữ vai trò là ngành kinh tế có sức lan tỏa lớn của Thủ đô với sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng.

Tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 27,88 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023, trong đó 6,37 triệu lượt khách quốc tế, tăng 34,8%.

Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,66 nghìn tỉ đồng, tăng 18,5% so với năm 2023, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố".

CẨM TÚ; ảnh: HỒNG NGỌC

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/ton-vinh-di-san-van-hoa-lan-toa-tinh-hoa-lang-nghe-127406.html