Tôn vinh nét đẹp hình tượng rồng trên bia tiến sĩ

Bia tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) vừa là kho tư liệu quý, vừa mang giá trị mỹ thuật độc đáo. Nổi bật nhất trên những tấm bia là hình tượng rồng. Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã giới thiệu về nét đẹp này đến công chúng.

Hình tượng rồng được giới thiệu trang trọng tại trưng bày.

Hình tượng rồng được giới thiệu trang trọng tại trưng bày.

Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội), Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám vừa tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ”.

Bia tiến sĩ là một di sản văn hóa đặc biệt được dựng lên cách đây tròn 540 năm, dưới thời vua Lê Thánh Tông nhằm tôn vinh các nhà khoa bảng đỗ đạt.

Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ tồn tại với rất nhiều thăng trầm của lịch sử, số lượng bia tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám hiện còn 82 bia, ghi danh 1.304 vị tiến sĩ.

Đây không chỉ là kho sử liệu quý giá về lịch sử, văn hóa, xã hội và giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình độc đáo, nơi các nghệ nhân chế tác đá gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa.

Trong số các hoa văn và họa tiết đã được sử dụng để trang trí trên trán bia và diềm bia tiến sĩ, hình tượng rồng luôn được dành một vị trí hết sức trang trọng.

Vốn là linh vật đứng đầu trong danh sách tứ linh (long, ly, quy, phượng), từ trước đến nay, rồng luôn được coi là đại diện thiêng liêng, cao quý và chỉ dành cho các bậc quân vương.

Vì vậy mà hình tượng rồng chủ yếu xuất hiện ở phần trán bia và thường được thể hiện theo bố cục một đôi rồng chầu vào mặt trời có mây lửa bao quanh.

Trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ” nhằm mang đến cho khách tham quan những khám phá mới lạ về các họa tiết rồng trên 82 bia tiến sĩ Thăng Long hiện đang được lưu giữ và bảo tồn tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Các tác phẩm được giới thiệu tại trưng bày đều được thể hiện trên nguyên tắc tôn trọng những đường nét nguyên bản trên bia tiến sĩ, từ đó giúp cho người xem hình dung rõ hơn sự tài hoa và điêu luyện của những những nghệ nhân chế tác đá đã dành trọn tâm huyết tạo nên những tác phẩm điêu khắc thực sự ấn tượng.

Dù nhiều thế kỷ đã trôi qua, mỗi tấm bia đều phải hứng chịu rất nhiều tác động bất lợi của thời tiết như nắng, mưa, sương, gió khiến cho mặt bia bị bào mòn khá nhiều, các họa tiết đều ít nhiều bị che phủ sau lớp bụi của thời gian, song nhờ có kỹ thuật rập thác bản, các nhà nghiên cứu tìm lại được không chỉ những bài văn bia chứa đựng nhiều thông tin hữu ích mà còn phát hiện hàng loạt hoa văn, họa tiết hết sức tinh xảo.

Những tạo hình biến hóa đó sẽ được tái hiện trong nội dung trưng bày “Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ” để mang đến cho khách tham quan những khám phá bất ngờ về các giá trị thẩm mỹ độc đáo của những “pho sử đá” về truyền thống khoa bảng thời quân chủ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ” diễn ra từ ngày 31/7 đến hết ngày 26/8/2024, địa điểm tại Nhà Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ton-vinh-net-dep-hinh-tuong-rong-tren-bia-tien-si-post822188.html