Tôn vinh nét đẹp lụa Hà Đông
Làng Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) có nghề dệt lụa đã hàng nghìn năm nay. Lụa Vạn Phúc là sản phẩm văn hóa, du lịch có tiếng và thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tuần Văn hóa, du lịch-thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc vừa được Ủy ban nhân dân quận Hà Đông tổ chức nhằm tôn vinh nét đẹp nghề dệt lụa, quảng bá sản phẩm làng nghề, qua đó, thúc đẩy du lịch, thương mại của làng lụa.
Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/2023, từ cổng vào làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho đến những tuyến đường chính ở ngôi làng, đâu đâu cũng rực rỡ sắc màu khi Tuần Văn hóa, du lịch-thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc diễn ra. Có những tuyến đường trở thành “đường ô”, có nơi lại trở thành “phố diều”, khi cả tuyến phố dài hàng trăm mét được trang trí bằng những chiếc ô hay những cánh diều vải đủ các màu sắc.
Tại nhiều tuyến đường, nhiều khu tham quan, trải nghiệm, Ban tổ chức lắp đặt mô hình những guồng quay tơ để trang trí. Mỗi chiếc guồng quay tơ lại được cuốn những sợi màu khác nhau tạo nên sự hấp dẫn. Đây cũng là những khu vực được nhiều khách tham quan.
Ở phía cổng làng, một bức tranh tường với diện tích khoảng 100 m2 tái hiện toàn bộ quá trình ươm tơ, se tơ, dệt lụa, phơi lụa… của người Vạn Phúc. Nhóm vẽ Mộc gồm những bạn trẻ và một số người dân trên địa bàn phường đã cùng nhau tạo nên bức tranh này.
Không gian ấy làm nền cho các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại với chủ đề “Vạn Phúc-Sắc màu hội nhập” diễn ra từ ngày 26/10 đến 2/11. Trong đó, nổi bật là các hoạt động như: Trình diễn thời trang Duyên dáng lụa Hà Đông, trình diễn áo dài nhí, các trò chơi dân gian, văn nghệ quần chúng (hát văn, hầu đồng, ca trù, quan họ, chèo); múa rối nước, hội thi vẽ tranh...
Các gian hàng bán lụa cũng trang trí đẹp mắt hơn, nhiều chủ hàng mặc áo dài hưởng ứng sự kiện của văn hóa này. Ngoài ra, còn có các hoạt động như trưng bày, giới thiệu sinh vật cảnh, sản phẩm của các làng nghề truyền thống Hà Nội: Làng gốm Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan (huyện Gia Lâm); làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín); làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) và các làng nghề của Hà Đông như: Đa Sỹ, mộc Thượng Mạo...
Trong dịp này, Ủy ban nhân dân quận Hà Đông cũng tổ chức lễ đón giấy chứng nhận nghề dệt lụa Vạn Phúc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Có mặt tại Tuần Văn hóa, du lịch-thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, chị Lê Thanh Hằng cho biết: “Tôi thích sử dụng trang phục làm từ lụa tơ tằm vì khi mặc lên, trang phục lụa rất sang trọng, tinh tế và có phong cách riêng. Hôm nay đến làng lụa Vạn Phúc để tham quan và mua hàng. Tôi rất vui khi tại đây diễn ra nhiều hoạt động văn hóa. Các gian hàng cũng được trưng bày rất đẹp”.
Làng lụa Vạn Phúc có lịch sử hơn 1.000 năm. Bên cạnh nhiều mẫu lụa cổ, qua thời gian, các nghệ nhân còn sáng tạo thêm nhiều mẫu lụa mới, phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, mỗi năm làng lụa Vạn Phúc sản xuất khoảng 2,5-3 triệu mét lụa các loại. Làng lụa Vạn Phúc còn trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Huệ, người có hơn 30 năm gắn bó với nghề dệt lụa cho biết: “Lụa Vạn Phúc vẫn dùng nguyên liệu tự nhiên nên sản phẩm vừa óng, vừa mềm mại, khác xa các sản phẩm khác trên thị trường. Các sản phẩm lụa Vạn Phúc ngày nay đa dạng hơn về chủng loại, mẫu mã…”.
Để phát triển du lịch bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm…
Ngoài ra, tại đây còn có Hợp tác xã Vụn Art - một không gian sáng tạo sử dụng các vải lụa vụn để ghép tranh lụa và một số sản phẩm thời trang, mỹ nghệ khác. Vụn Art là nơi giúp nhiều bạn trẻ bị khuyết tật có việc làm, thu nhập và có thể sáng tạo ra những sản phẩm của mình.
Với hàng nghìn lượt người đến tham gia, thưởng thức các hoạt động mỗi ngày, Tuần Văn hóa, du lịch-thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã góp phần quảng bá, phát triển sản phẩm lụa Vạn Phúc.
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết: “Để phát triển du lịch bền vững, ngoài việc phát triển các sản phẩm, làng nghề cũng đã tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn, mang đến một không gian xanh, thoáng mát, thân thiện với môi trường. Các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố Lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với Sở Du lịch thành phố về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng”.
Tuy nhiên, để làng nghề dệt lụa Vạn Phúc phát triển xứng tầm, nhất là để trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, còn nhiều vấn đề cần được cải thiện. Các chuyên gia cho rằng cần kiểm soát tốt hơn vấn đề nguồn gốc sản phẩm để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng nhái, hàng giả; tăng cường tập huấn để nâng cao chất lượng ứng xử của các hộ kinh doanh khi tiếp xúc với khách hàng, nhất là khách du lịch.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ton-vinh-net-dep-lua-ha-dong-post780798.html