Tôn vinh người lính cứu hỏa
Trong mỗi vụ hỏa hoạn, khi mọi người hoảng loạn tìm cách thoát thân thì có những con người vì nhiệm vụ sẵn sàng lao vào đám cháy, dùng cả mạng sống của mình để cố gắng dập tắt ngọn lửa, cứu người và tài sản bị mắc kẹt. Không chỉ đối mặt với hỏa hoạn, trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào cần cứu hộ cứu nạn, họ cũng luôn có mặt. Đó chính là những chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), vẫn thường được người dân gọi một cách thân thương là lính cứu hỏa.
Hình ảnh những người lính cứu hỏa mặt mũi lem luốc, áo quần sũng nước, ngồi bệt hay nằm dài trên nền đất mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ đã rất quen thuộc với người dân cả nước. Sau những giờ phút đầy hiểm nguy chiến đấu với “giặc lửa”, khi đám cháy đã được khống chế, cứu người thành công thì cơn đau rát từ vết bỏng trên tay, vết trầy xước trên người, bụng đói, miệng khô khốc vì khói bụi, khát nước... lúc này mới bắt đầu hiển hiện nơi họ. Mất mát, hy sinh và cả đau đớn, những điều đó vốn dĩ đã trở nên quá đỗi bình thường kể từ khi họ chọn theo nghiệp lính cứu hỏa. Niềm vui, niềm hạnh phúc nhất đối với các chiến sĩ là cứu được càng nhiều người càng tốt, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước.
Đến dự lễ phát động toàn dân PCCC và CNCH năm 2023 với chủ đề “Ánh dương trong màn đêm” do Bộ Công an phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào tối 28-9 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Công tác PCCC và CNCH là một mặt trận không có tiếng súng, nhưng mỗi lần xung trận, những người lính Cảnh sát PCCC và CNCH luôn phải đối mặt với những hiểm nguy ảnh hưởng đến cả tính mạng. Vượt lên trên hết, với sự quả cảm, tinh thần chiến đấu anh dũng, các chiến sĩ không quản tính mạng, bất chấp mọi nguy hiểm lao vào ngọn lửa, lao vào dòng nước lũ, cứu người bị nạn và tài sản, tiêu biểu như: Đại úy Thái Ngô Hiếu (Công an tỉnh Đồng Nai) lao mình xuống biển cứu 4 người bị đuối nước; Trung tá Nguyễn Chí Thành (Công an TP. Hồ Chí Minh) tham gia giải cứu nạn nhân trong vụ sập giàn giáo…
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sự hy sinh thầm lặng ấy cao đẹp như phẩm chất “vàng” của người chiến sĩ PCCC, luôn tỏa sáng, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân, tài sản của Nhà nước, xây dựng nên hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì Nhân dân phục vụ”. Đặc biệt, lực lượng CNCH Việt Nam đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm quốc tế trong việc tham gia CNCH thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, được nước bạn và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tại Gia Lai, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng luôn phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Vì nhiệm vụ, các anh không màng đến tính mạng bản thân. Năm 2018, Thiếu úy Bùi Minh Quý (Đội Cảnh sát Chữa cháy và CNCH khu vực An Khê) đã hy sinh trong lúc cố gắng cứu tài xế xe tải chở mía đang bị nước lũ nhấn chìm khi qua đập tràn trên sông Ba. Tất cả những đóng góp, tinh thần quả cảm vì cộng đồng của các chiến sĩ PCCC và CNCH xứng đáng được tôn vinh, được người dân cả nước biết ơn và tự hào.
Tuy nhiên, PCCC và CNCH không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Từ các đơn vị, tổ chức, địa phương đến từng gia đình, mỗi người dân đều phải nâng cao ý thức phòng-chống cháy nổ, phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết, đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra.
Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (4/10/1961-4/10/2023) và 22 năm Ngày toàn dân PCCC (4/10/2001-4/10/2023), Giám đốc Công an tỉnh đã trao tặng giấy khen cho 9 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân PCCC năm 2023; Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trao giấy chứng nhận cho 48 đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC năm 2023. Đây là sự ghi nhận, biểu dương tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân; đồng thời là dịp tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong việc chung tay PCCC.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ton-vinh-nguoi-linh-cuu-hoa-post251429.html