Tôn vinh những sáng tạo nghệ thuật

Tối nay, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, UBND tỉnh tổ chức trao 'Giải thưởng Tân Trào' lần thứ 3 nhằm vinh danh những người có đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật. Giải thưởng tạo đà cho đội ngũ tác giả say sưa sáng tạo những tác phẩm có giá trị đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, đổi mới quê hương, đất nước.

Sinh viên trường Đại học Tân Trào nghiên cứu văn hóa dân gian qua các tập sách “Câu đố các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”, “Tục ngữ, thành ngữ dân tộc Tày” của tác giả Hà Văn Viễn (Bắc Kạn).

Sinh viên trường Đại học Tân Trào nghiên cứu văn hóa dân gian qua các tập sách “Câu đố các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”, “Tục ngữ, thành ngữ dân tộc Tày” của tác giả Hà Văn Viễn (Bắc Kạn).

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng xét, tặng “Giải thưởng Tân Trào” tỉnh cho biết, đây là giải thưởng trao tặng cho các tác giả, nhóm tác giả có công trình, cụm công trình khoa học - công nghệ, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, sáng chế, giải pháp hữu ích. Hoạt động thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của tỉnh đối với sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ, văn học, nghệ thuật.

Quy trình xét tặng giải thưởng được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình: Tháng 6-2018, UBND tỉnh đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng kế hoạch xét, tặng “Giải thưởng Tân Trào” lần thứ 3 năm 2019. Cùng với đó, UBND tỉnh tổ chức thành lập Hội đồng chuyên ngành (cơ sở); Hội đồng sơ khảo về Khoa học - Công nghệ và Văn học - Nghệ thuật; Hội đồng cấp tỉnh.

Với 13 hồ sơ đề nghị xét, tặng, Hội đồng đã lựa chọn xét, tặng 6 tác giả, nhóm tác giả có công trình, cụm công trình đủ điều kiện xét tặng "Giải thưởng Tân Trào" lần thứ 3 năm 2019. Sau thời gian đánh giá, UBND tỉnh đã có Quyết định về việc tặng “Giải thưởng Tân Trào” lần thứ 3 năm 2019. Theo đó có 6 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải, trong đó có 3 tác giả có các tác phẩm sáng tác ở lĩnh vực văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc; 3 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm ở lĩnh vực văn học - nghệ thuật.

Các tác phẩm, cụm tác phẩm đoạt giải đều thể hiện thành quả lao động nghệ thuật miệt mài, nỗ lực của các tác giả. Đa số tác phẩm đều phản ánh vẻ đẹp quê hương trong suốt chiều dài lịch sử cũng như tình yêu của con người dành cho quê hương Tuyên Quang. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm đi sâu nghiên cứu nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Tất cả đều là nguồn tài liệu hữu ích cho thế hệ mai sau tìm hiểu về nguồn cội và thiết thực cho những độc giả muốn tìm hiểu về những nét đặc sắc của mảnh đất, con người xứ Tuyên. Tiêu biểu như: Tập nghiên cứu, sưu tầm “Văn quan làng Tuyên Quang” của nhóm tác giả: Tống Đại Hồng, Lương Long Vân, Ma Văn Đức do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản; cụm tác phẩm nhiếp ảnh “Núi Thổ Sơn, sân vận động thị xã Tuyên Quang năm 1975”; “Cầu Nông Tiến thuộc Sông Lô, thị xã Tuyên Quang năm 1993”... của tác giả Lưu Công Tuyên.

Nhạc sỹ Trần Ngoan là một trong những cá nhân đoạt giải. Ông chia sẻ: “Giải thưởng thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với hoạt động văn học, nghệ thuật. Đó cũng là động lực để đội ngũ văn nghệ sỹ tiếp tục tích cực sáng tác. Đây là niềm vinh dự, tự hào trong cuộc đời hoạt động văn nghệ của mình, thôi thúc tôi tiếp tục sáng tác thật nhiều về quê hương Tuyên Quang, xứng đáng với niềm tin yêu của công chúng”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Văn Viễn, ở thôn Na Rì, xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn (Bắc Kạn) có thời gian dài công tác tại Tuyên Quang. Ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa xứ Tuyên. Trong đó có tác phẩm “Câu đố các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”, Ban dân tộc Tuyên Quang xuất bản năm 1972; “Tục ngữ, thành ngữ dân tộc Tày” và “Các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang”, Nhà xuất bản văn hóa dân tộc. Ông phấn khởi nói: “Nghiên cứu lĩnh vực văn hóa dân gian là niềm đam mê trong suốt cuộc đời tôi. Giải thưởng thể hiện sự ghi nhận, trân quý tỉnh dành cho những thành quả của tôi trong lao động nghệ thuật. Từ đó thôi thúc tôi tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa”.

Việc trao “Giải thưởng Tân Trào” được dư luận xã hội quan tâm và đánh giá cao, nhân lên niềm vui và sự tự hào cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học công nghệ. Giải thưởng mang tên vùng đất Tân Trào lịch sử là mạch nguồn cảm xúc bất tận để các đội ngũ tác giả tiếp tục dâng tặng cho đời những tác phẩm có giá trị.

Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh
Động lực để sáng tác, nghiên cứu

Tôi được nhận giải thưởng với tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm “Then cổ Tuyên Quang” do NXB Hội Nhà văn xuất bản và tập nghiên cứu, sưu tầm “Văn quan làng Tuyên Quang” cùng với các tác giả: Tống Đại Hồng, Lương Long Vân, do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản. Giải thưởng đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với hoạt động văn học - nghệ thuật, khoa học - công nghệ. Đồng thời, là động lực để các văn nghệ sỹ tiếp tục sáng tạo, cống hiến, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nghệ thuật tỉnh nhà.

Nhà thơ Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Biên tập Báo Tân Trào, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh
Niềm vinh dự lớn

Tôi vinh dự được nhận Giải thưởng Tân Trào lần thứ 3 với tập thơ “Lời Sông Hát”. Tác phẩm gồm 69 bài do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2002. Tập thơ nói về nhiều lĩnh vực: Tình mẹ, tình quê, tình yêu đôi lứa, tình bạn, tình đồng đội và chiến tranh... Các bài thơ được thể hiện ở nhiều thể thơ như: Tự do, lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn trường thiên, ngũ ngôn trường thiên… Đây là đứa con tinh thần tôi đã dành nhiều tâm sức sáng tác trong nhiều năm. Vì vậy, việc được nhận giải thưởng lần này không chỉ là niềm vinh dự lớn lao, mà còn là động lực để bản thân tôi tiếp tục cống hiến và sáng tác, xứng đáng với niềm tin yêu của công chúng.

Ông Lưu Công Tuyên, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh
Đam mê không kể tuổi

Năm nay đã 73 tuổi, nhưng với tình cảm của người con xứ Tuyên, tôi đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử qua mỗi bức ảnh, trong đó nhiều bức ảnh được chụp và lưu từ những năm 1967 để thấy được sự đổi thay của quê hương, thể hiện truyền thống anh hùng của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong các cuộc kháng chiến. Tôi rất vinh dự và tự hào khi được nhận Giải thưởng Tân Trào lần này với cụm 8 tác phẩm nhiếp ảnh: Hạnh phúc; Sông Lô mùa cạn; Đường nét quê hương; Cầu phao vượt Sông Lô, thị xã Tuyên Quang đảm bảo giao thông thông suốt trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước năm 1967; Cầu Nông Tiến vượt Sông Lô, thị xã Tuyên Quang năm 1993... Các tác phẩm đã phần nào cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân, tạo động lực để xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tin-tuc/ton-vinh-nhung-sang-tao-nghe-thuat-122697.html