Tôn vinh, phát huy vai trò của đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp
Đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) chiếm tỷ lệ cao tại các cơ quan, đơn vị quân đội. Ghi nhận những cống hiến của đội ngũ này, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân vừa tổ chức gặp mặt, tuyên dương QNCN tiêu biểu trong toàn quân chủng, qua đó khẳng định những đóng góp và vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các cơ quan, đơn vị.
Không “an phận thủ thường”
Hội nghị gặp mặt, tôn vinh QNCN tiêu biểu đầu Xuân Canh Tý 2020 do Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức mang lại niềm vui, niềm động viên lớn với những người lính biển, khi 150 QNCN tiêu biểu xuất sắc, có nhiều thành tích, đại diện cho lực lượng QNCN trong toàn quân chủng được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với đồng chí, đồng đội đến từ nhiều cơ quan, đơn vị.
Thu hút sự quan tâm của nhiều người trong phần giao lưu đầu tiên trên sâu khấu là thành tích nổi bật của các nhân viên kỹ thuật Lữ đoàn 189 Hải quân. Đây là đơn vị đặc biệt, nên cán bộ, nhân viên làm việc trên tàu ngầm Kilo 636 cũng là những người đặc biệt. Một trong số đó phải kể đến là Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Dũng, Tiểu đội trưởng hầm tàu, ngành 5, Tàu 182-Hà Nội, Lữ đoàn 189. Anh là một trong những người tham gia kíp huấn luyện, tiếp nhận tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam. Những chia sẻ chân thành của anh về niềm tự hào được phục vụ trên con tàu hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho thấy, các anh luôn có tinh thần ham học hỏi, khát vọng vươn lên, với quyết tâm khai thác, làm chủ thành thạo các loại vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại nhất của Quân đội ta hiện nay.
Thiếu tá QNCN Bùi Văn Hạnh, Khẩu đội trưởng pháo 76,2mm, ngành 2, Tàu 13, Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân có nhiều tâm huyết và kinh nghiệm quý trong công tác, là một trong những khẩu đội trưởng có chuyên môn sâu với hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng hiệu quả trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa VKTBKT, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ. Bảy năm liền (2012-2018) Bùi Văn Hạnh được bình bầu là Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cấp cơ sở; năm 2018, anh đạt danh hiệu CSTĐ toàn quân.
Không chỉ có những QNCN là nam giới đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, chương trình gặp mặt còn có phần giao lưu các nữ QNCN với bản lĩnh, tay nghề không thua kém "phái mày râu". Đó là Trung úy QNCN Nguyễn Thanh Thủy, thủ kho bảo quản, Kho 858, Cục Kỹ thuật Quân chủng Hải quân. Được giao bảo quản, bảo dưỡng, cấp phát số lượng lớn VKTBKT, đạn dược, chị tích cực nghiên cứu, áp dụng nhiều phương pháp, cách làm sáng tạo, giúp bảo đảm tuyệt đối an toàn trong thực hiện nhiệm vụ. Với Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà (Phòng Hậu cần, Lữ đoàn 126 Đặc công Hải quân), vừa là nhân viên nấu ăn tận tụy, yêu nghề, đồng thời là chiến đấu viên đặc công xuất sắc, từng đoạt Huy chương Vàng trong Hội thao võ thuật Quân chủng Hải quân và đoạt Huy chương Bạc tại Hội thao õ chiến đấu tay không toàn quân năm 2014.
Không ngừng vươn lên để khẳng định vị trí, vai trò
Theo Phó đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân: Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Hải quân nhân dân Việt Nam được quan tâm, đầu tư để tiến thẳng lên chính quy, hiện đại. Do vậy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân và cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn xác định: Đội ngũ QNCN ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, phục vụ chiến đấu. Đội ngũ QNCN được xem là lực lượng xương sống, rường cột của các đơn vị hải quân.
Đặc biệt, ở các đơn vị SSCĐ, làm nhiệm vụ trên biển, đội ngũ QNCN luôn khẳng định vai trò xung kích trong thực hiện nhiệm vụ ở tuyến đầu. Nhiều đồng chí thể hiện rõ tinh thần mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sự quả cảm, kiên trì, kiên quyết của cán bộ, chiến sĩ hải quân, trong đó có đội ngũ QNCN góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Tuy khác nhau về ngành nghề, môi trường công tác nhưng đội ngũ QNCN có chung đức tính cần mẫn, yêu nghề; nhiều đồng chí khẳng định được trình độ, năng lực, tay nghề cao trong khai thác, làm chủ VKTBKT, nhất là ở các đơn vị được trang bị hiện đại, như: Tàu ngầm, tàu mặt nước chiến đấu, tên lửa, radar bờ...
Thiết nghĩ, từ những kinh nghiệm quý trong đào tạo, quản lý, sử dụng đội ngũ QNCN ở Quân chủng Hải quân, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân cần có đánh giá khách quan, nhìn nhận đúng về vị trí, vai trò của đội ngũ QNCN; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quy trình về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp và sử dụng QNCN; xây dựng đội ngũ QNCN vừa có chuyên môn cao, vừa tâm huyết, tận tụy với nghề. Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với QNCN theo hướng sát thực, hướng về cơ sở; chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng này công tác, cống hiến. Đội ngũ QNCN cũng phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao năng lực công tác theo phương châm “giỏi một vị trí, biết nhiều vị trí, sẵn sàng thay thế các vị trí khác”, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, xung kích trên các mặt, các lĩnh vực công tác.