Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ các nước trình Quốc thư
Sáng 12/8, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ các nước Argentina, Algeria, Đức, Triều Tiên và Thụy Điển tới trình Quốc thư nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.
Tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam - Argentina
Tiếp Đại sứ Argentina Marcos Antonio Bednarski, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Argentina, đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở Mỹ Latinh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị trong thời gian tới Đại sứ Bednarski phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam thúc đẩy tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Argentina, cũng như duy trì thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và hoạt động của các cơ chế hợp tác, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hợp tác.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn trên cơ sở quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đề nghị phía Argentina tiếp tục phối hợp cùng Việt Nam thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA Việt Nam - MERCOSUR, qua đó tạo đà mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Argentina, cũng như giữa Việt Nam với khu vực Nam Mỹ.
Đại sứ Marcos Antonio Bednarski khẳng định Chính phủ Argentina rất coi trọng mối quan hệ với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu. Đại sứ cũng nhấn mạnh Việt Nam là đối tác kinh tế thương mại quan trọng của Argentina ở khu vực châu Á, song vẫn còn rất nhiều dư địa để có thể khai thác và nâng tầm hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Triền Tiên
Tiếp Đại sứ Triều Tiên Ri Sung Guk, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng ông được bổ nhiệm là Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam, đồng thời thông qua Đại sứ, gửi lời chúc sức khỏe tới Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un.
Đại sứ Ri Sung Guk mong muốn sẽ phối hợp cùng các cơ quan hữu quan của Việt Nam triển khai nhiều hoạt động phong phú trong năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 60 năm cố Chủ tịch Kim Nhật Thành thăm Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm sau.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Triền Tiên; mong muốn cùng Triều Tiên hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chia sẻ với các khó khăn hiện tại của Triều Tiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ tin tưởng, Triều Tiên sẽ sớm ổn định, hòa bình, xây dựng đất nước phát triển thịnh vượng, đi lên chủ nghĩa xã hội, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp. Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò tích cực góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam mong Đức thúc đẩy sớm thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU
Tiếp Đại sứ Đức Helga Margarete Barth, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Cộng hòa Liên bang Đức, quốc gia thành viên đóng vai trò chủ chốt trong EU và có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao sự hỗ trợ của Đức trong hơn 3 thập kỷ qua, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong việc Đức xác định Việt Nam là “Đối tác toàn cầu, trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 với ba trọng tâm ưu tiên là năng lượng, môi trường và đào tạo nghề.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cảm ơn và đề nghị Chính phủ Đức và EU tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 nhằm duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực, thượng tôn pháp luật quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại; tiếp tục phối hợp khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong Đức thúc đẩy sớm thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); hoan nghênh đầu tư của Đức vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp sản xuất, giao thông, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, cơ sở hạ tầng chiến lược; đề nghị Chính phủ Đức tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình triển khai JETP (Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng); chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn hai bên tăng cường trao đổi sinh viên của các trường đại học; thúc đẩy việc phát triển tiếng Đức tại Việt Nam cũng như tiếng Việt tại Đức; thúc đẩy các cơ chế, khuôn khổ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực đào tạo nghề với Việt Nam nhằm giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo điều kiện cho lực lượng lao động Việt Nam có cơ hội được làm việc tại Đức, đồng thời qua đó giúp phía Đức giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân công.
Đại sứ Helga Margarete Barth thông báo việc Đức sẽ thành lập Trường phổ thông quốc tế Đức tại Việt Nam và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới; nhấn mạnh đây sẽ là biểu tượng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Năm 2025, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Đức đang lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan hữu quan để tổ chức các sự kiện nhân dịp kỷ niệm này.
Nhiều doanh nghiệp Thụy Điển muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam
Cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành thời gian tiếp, Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi bày tỏ vinh dự được nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.
Đại sứ Johan Ndisi cho biết, hiện có nhiều doanh lớn của Thụy Điển đã đầu tư tại Việt Nam và còn nhiều doanh nghiệp khác của Thụy Điển muốn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh mới trong các lĩnh vực khác nhau; đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, những lĩnh vực thế mạnh của Thụy Điển.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh nhiều dự án do Thụy Điển giúp đỡ đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế xã - hội của Việt Nam, đồng thời hoan nghênh các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, chuyển đổi xanh, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, quy hoạch đô thị, phát triển bền vững...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn hai bên thúc đẩy giao lưu nhân dân thông qua các hoạt động hợp tác giáo dục, văn hóa - nghệ thuật, thể thao, du lịch, hợp tác giữa các địa phương nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng hai bên còn nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, năng lượng tái tạo...
Algeria là cửa ngõ để Việt Nam mở rộng hợp tác
Tiếp Đại sứ Algeria Sofiane Chaib, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ truyền thống và hợp tác hữu nghị với Algeria, một trong những nước bạn bè có mối quan hệ sâu sắc của Việt Nam tại châu Phi. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Algeria tại Việt Nam Sofiane Chaib đến trình Quốc thư.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Đại sứ tích cực phối hợp với các cơ quan của Việt Nam tiếp tục thúc đẩy, nâng tầm mối quan hệ song phương, trong đó cần tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước; tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và quốc tế.
Cùng với đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn hai bên tăng cường thúc đẩy hợp tác thương mại theo hướng đa dạng hóa cơ cấu hàng hóa, mở rộng quy mô trao đổi thương mại, bảo đảm cân bằng lợi ích của cả hai bên; phát huy tối đa hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có; đồng thời đề nghị hai bên phối hợp thúc đẩy đàm phán hướng tới ký thỏa thuận hợp tác trên một số lĩnh vực khác như xây dựng, an ninh - phòng chống tội phạm, giáo dục...
Đại sứ Sofiane Chaib khẳng định quan hệ Việt Nam và Algeria có bề dày, hữu nghị hợp tác, đoàn kết anh em. Nhân dân Algeria biết đến Việt Nam là một dân tộc kiên cường, văn hóa nghìn năm lâu đời, kinh tế phát triển. Đại sứ cho biết kim ngạch thương mại hai nước tăng gấp 3 lần sau 10 năm, nhưng tiềm năng còn nhiều và trong nhiệm kỳ của mình sẽ nỗ lực vun đắp quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Đại sứ nhấn mạnh Algeria có chính sách năng động, có thể là cửa ngõ để Việt Nam mở rộng hợp tác ra các thị trường châu Phi; đồng thời mong muốn Việt Nam và Algeria chia sẻ nhiều giá trị, nguyên tắc hợp tác tốt trong các diễn đàn đa phương, nhất là Liên Hợp Quốc.