'Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt dấu ấn mới cho vai trò của ĐCS Việt Nam'
Giáo sư Carl Thayer cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra đột phá để đặt dấu ấn mới cho vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chính sách đối ngoại của đất nước.
Là một chuyên gia có nhiều năm theo dõi tình hình Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng vai trò quan trọng khiến cho cộng đồng quốc tế công nhận vai trò của Tổng Bí thư và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer cho biết, sáng nay khi mới ngủ dậy ông biết tin chính thức về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đều cùng lứa tuổi và sức khỏe cũng không được như trước nên khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, giáo sư Carl Thayer thấy tiếc thương. Giáo sư Carl Thayer đã từng gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một số lần khi có dịp sang Việt Nam và các cuộc gặp này đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong ông về một nhà lãnh đạo gần gũi:
“Ông luôn luôn thân thiện đồng thời ông cũng nói rằng, tôi (Giáo sư Carl Thayer) là người nổi tiếng tại Việt Nam. Ông luôn sẵn sàng lắng nghe bất kỳ quan điểm nào, song cũng rất hùng hồn và hiểu biết khi đáp lại bằng các quan điểm của Đảng, bởi vì ông đang ở nhà của mình. Ông không làm mọi người cảm thấy khó chịu và không cảm thấy như là “một vị vua ngồi trên ngai vàng” mà ông là một nhà chính trị, là người mà bạn có thể làm việc cùng”.
Giáo sư Carl Thayer cho biết, mặc dù đã ra đi nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhớ mãi là một người tuân thủ các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Hồ Chí Minh và là người đề xướng chính sách một đảng lãnh đạo duy nhất tại Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ được nhớ đến như là một người phản đối diễn biến hòa bình, đa nguyên chính trị và là một người theo chủ nghĩa thực tế trong chính sách đối ngoại.
Trong đó, giáo sư Carl Thayer khẳng định có 3 đóng góp nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhớ đến:
“Thứ nhất là chiến dịch chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực mà mọi người hay gọi là “đốt lò” liên quan đến hàng nghìn quan chức và những nơi trước đây không thể đụng tới. Thứ hai là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhớ đến với những đóng góp của ông trong việc xây dựng Đảng, bao gồm cả việc luân chuyển các “ứng cử viên chiến lược” đến làm việc tại các tỉnh để thử thách và rèn luyện trước khi cân nhắc vào các vị trí cao hơn, cải cách các quy định, làm gương cho các quan chức cấp cao và đảng đảng viên và đưa ra các quy định về những điều đảng viên không nên làm. Thứ ba là chính sách đối ngoại.”
Với vai trò là nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố sức mạnh bên trong Đảng mà còn góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế. Giáo sư Carl Thayer khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được ghi nhớ với đóng góp quan trọng khiến cộng đồng quốc tế công nhận vai trò của Tổng Bí thư và Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer cho biết, sau Chiến tranh Lạnh, các quốc gia Phương Tây không đánh giá đúng mức vai trò của người lãnh đạo đảng ở các nước xã hội chủ nghĩa trong quan hệ chính thức giữa hai nhà nước. Khi đó, chính sách đối ngoại thường được thực hiện ở cấp nguyên thủ quốc gia và chính phủ, ít có quan hệ giữa các đảng. Tuy vậy, giáo sư Carl Thayer khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra đột phá để đặt dấu ấn mới cho vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chính sách đối ngoại của đất nước:
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bước đột phá mới vào năm 2013 khi ông là lãnh đạo đảng đầu tiên của Việt Nam đến thăm Vương quốc Anh và được Thủ tướng Anh tiếp đón. Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm đột phá tới Mỹ và Nhật Bản, nơi ông lần lượt được Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản tiếp đón. Đáng chú ý, trong Tuyên bố chung năm 2015 giữa Tổng thống Mỹ Obama với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nội dung “cả hai nước khẳng định tiếp tục theo đuổi mối quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất trên cơ sở tôn trọng…thể chế chính trị của nhau”.
Giáo sư Carl Thayer khẳng định, các tiền lệ này đã tạo tiền đề để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời và đón các nguyên thủ quốc gia, chính phủ nước ngoài đến thăm Việt Nam, trong đó có việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023. Đáng lưu ý, trong tuyên bố chung giữa hai nước đưa ra sau chuyến thăm này có các cụm từ “các nhà lãnh đạo nhấn mạnh những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo Việt Nam-Hoa Kỳ” hay “quan hệ bao gồm cả…tôn trọng thể chế chính trị của nhau...”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng “cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa các đảng chính trị và cơ quan lập pháp của hai nước, bao gồm việc khuyến khích đối thoại và thảo luận giữa các cơ quan này về các ưu tiên và kinh nghiệm thực tiễn của mỗi nước”.
Giáo sư Carl Thayer cũng nhắc đến một dấu ấn nữa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hoạt động đối ngoại, đó chính là khái niệm “ngoại giao cây tre”:
“Khái niệm “ngoại giao cây tre” tác động đến việc củng cố vai trò của Việt Nam với tư cách là thành viên độc lập, tự lực trong cộng đồng quốc tế vào thời điểm các nước lớn đang phân cực và chia cắt. Trong năm qua, Việt Nam đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho thấy Việt Nam có thể duy trì thế cân bằng giữa các nước lớn. Việc đón tiếp các nhà lãnh đạo này cũng cho thấy các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga đều quan tâm và mong muốn Việt Nam ổn định, năng động, có ảnh hưởng và không bị gây sức ép để buộc đi theo một bên nào. Việc làm này cũng cho thấy Việt Nam cam kết không liên minh, liên kết để chống lại quốc gia khác mà vẫn giữ được thế độc lập của mình.”
Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh, trong quá trình phát triển trong nhiều năm qua, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ chiến tranh đến việc thống nhất đất nước, rồi cả quá trình phát triển sau này. Mặc dù luôn phải đối mặt với nhiều sức ép nhưng Việt Nam vẫn cân bằng được quan hệ giữa các nước lớn, không bao giờ chống lại quốc gia khác nên được các nước ủng hộ. Những bài học trong lịch sử đã được các nhà lãnh đạo hiện tại, trong đó đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp thu, phát triển để vận dụng vào thực tiễn.