TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG - NHỮNG PHÁT BIỂU THẤM Ý ĐẢNG LÒNG DÂN
Trái tim của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo cấp cao với tư duy chiến lược luôn trăn trở vì dân, vì nước; một con người trọng danh dự, có tác phong gần gũi, lối sống giản dị, đạo đức trong sáng, khiêm nhường, ghét thói hư tật xấu mà giàu lòng nhân ái, đã ngừng đập lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19/7/2024.
Là Tổng Bí thư, ngọn cờ lý luận của Đảng, Đồng chí đặc biệt quan tâm xác định tầm nhìn chiến lược của Đảng và dân tộc; coi trọng tổng kết thực tiễn để không ngừng bổ sung, hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Trong tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ ra: Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm…
Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường.
Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: Mỗi cán bộ, chiến sĩ, công chức cơ quan nội chính phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để "thanh bảo kiếm" luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để "lá chắn" luôn vững vàng, chắc chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên "bọc đường".
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 diễn ra sáng 12/12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh quan điểm: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".
Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người, và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây".
Tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sáng 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội.
Phát biểu chỉ đạo trong phiên họp của Chính phủ ngày 11/8/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài; thật sự "cần, kiệm, liêm, chính", "chí công vô tư"; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy chính phủ và chính quyền các cấp.
Phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án "Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng", ngày 10/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đều là những biểu hiện tiêu cực.
Sáng 9/12/2021, chủ trì và phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước; nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.
“Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng”.
Phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương 6 tháng đầu năm 2023, đề cập phương hướng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 6 tháng cuối năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng Đảng bộ Quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh. Vấn đề này chúng ta đã làm tốt rồi, nay cần làm tốt hơn nữa (trong đó, tôi nhấn mạnh, các đồng chí cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao; cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị). Gần đây, chúng ta nói nhiều đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm (tôi yêu cầu trong Quân đội tuyệt đối không để tình trạng này xảy ra), bởi người cán bộ chỉ huy quân sự mà thiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống xảy ra.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
“Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".
Ngày 14/12/2021, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, ngày 19/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh về trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88104