Tổng bí thư: 'Phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế'

Đó là phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương diễn ra sáng nay (8/1) tại Trụ sở Chính phủ.

Hoàn thành các mục tiêu trong hoàn cảnh "sóng to, gió lớn"

"Tôi rất ấn tượng và xúc động trước những kết quả mà chúng ta đạt được trong năm 2024 vừa qua", Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ. Những con số, những kết quả đầy thuyết phục được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, có thể khẳng định: Chúng ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024 trong hoàn cảnh đầy "sóng to, gió lớn", thậm chí có thời điểm là "bão tố" ở cả bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức nhưng chúng ta đã đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và gặt hái nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó hoàn thành và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch năm 2024.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, cao nhất khu vực và thế giới trong bối cảnh khó khăn toàn cầu. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng, trong khi nông nghiệp giảm. Xuất siêu kỷ lục trên 20 tỷ USD. Các lĩnh vực kinh tế số và kinh tế xanh trở thành động lực tăng trưởng mới, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu. Chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật với việc triển khai Đề án 06. Chính phủ số được đẩy mạnh, cải cách hành chính hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và thúc đẩy hiện đại hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

"Những kết quả này phản ánh nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và toàn dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và quốc tế", Tổng bí thư Tô Lâm nói.

 Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối tới các điểm cầu trong cả nước. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối tới các điểm cầu trong cả nước. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế

Tổng Bí thư chỉ rõ: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 - năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTXH 10 năm giai đoạn 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Tổng Bí thư yêu cầu, cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế. Chúng ta đã Tổng kết 40 năm đổi mới và thống nhất rằng cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế để chúng ta vững bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.

Ưu tiên hàng đầu là tinh gọn tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Điều này không chỉ là cắt giảm mà còn đòi hỏi cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, minh bạch hóa, và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính - ngân sách, và quản lý tài nguyên. Đồng thời, cần tăng tính chủ động, sáng tạo, tự lực và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Cần bỏ tư duy "không quản được thì cấm", đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả", đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra và chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", tạo không gian mới và động lực phát triển. Sửa đổi pháp luật và cơ chế quản lý để trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền.

Tuy nhiên, việc này cần đi đôi với cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, đảm bảo không để xảy ra lạm dụng quyền hạn vì lợi ích cá nhân. Tư duy đổi mới cần khơi dậy tính năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ quản lý các cấp. Thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo minh bạch, đồng bộ, công bằng, và nhanh chóng khắc phục những chồng chéo, bất cập trong hệ thống hiện hành, tạo nền tảng pháp lý ổn định, dễ tuân thủ.

Tinh thần là một vấn đề, một nội dung chỉ quy định tại một luật; doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Cần ưu tiên xây dựng hành lang pháp lý cho những mô hình kinh tế mới và thực thi hiệu lực, hiệu quả pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích sự sáng tạo trong xã hội. Khả năng đạt tăng trưởng hai con số trong tương lai phụ thuộc nhiều vào quá trình đổi mới phát triển kinh tế của chúng ta".

 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường

Tổng Bí thư yêu cầu, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là mục tiêu then chốt để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, ổn định quán triệt phương châm "phát triển để ổn định- ổn định để phát triển". Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, cần coi trọng chất lượng tăng trưởng và phấn đấu tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

"Cần đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế "xin - cho" và tư duy bao cấp. Cần phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động, và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu. Nhà nước phải bảo vệ quyền tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số quốc gia cần được đẩy mạnh, phát triển kinh tế số và tăng cường kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, "ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Hoàn thiện cơ chế thử nghiệm để hỗ trợ phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Thực hiện chính sách "khoán tăng trưởng" cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tạo sự năng động, sáng tạo để các địa phương tự tìm cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng hai con số, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cả nước", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng đề nghị từng cán bộ lãnh đạo, đảng viên và công chức, viên chức phải thấm nhuần tư tưởng trung tâm "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc". Coi đây là kim chỉ nam cho mọi hành động, quyết sách và là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, phấn đấu không ngừng với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2025 và những năm tiếp theo.

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tong-bi-thu-phai-doi-moi-manh-me-dut-khoat-toan-dien-hon-nua-trong-quan-ly-kinh-te-d55053.html