Tổng Bí thư Tô Lâm cảnh báo tình trạng 'đục nước, béo cò' khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức đại hội đảng các cấp, cơ cấu lại hệ thống hành chính, sắp xếp tổ chức cán bộ, di dời trụ sở cơ quan, không tổ chức cấp huyện, tổ chức lại cấp xã 'sẽ không loại trừ tình trạng đục nước, béo cò, tranh tối tranh sáng để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực', yêu cầu phải đấu tranh, xử lý.

Chiều 15/4, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Quân.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Quân.

Những thành tựu vĩ đại mang tính lịch sử

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, từ trong bão lửa của các cuộc chiến tranh, chúng ta đã trở thành người chiến thắng, trở thành lương tri và lẽ sống. Việt Nam đã đấu tranh giải phóng dân tộc và trở thành biểu tượng của thời đại.

"Thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau vẫn tiếp tục phải tri ân, tạc ghi công lao trời biển của Đảng, của Bác và của hàng triệu các chiến sĩ, các anh hùng liệt sỹ, các tầng lớp Nhân dân đã hiến dâng những gì quý giá nhất trong cuộc sống, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho một Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, giàu mạnh – những người đã làm nên thời đại Hồ Chí Minh", Tổng Bí thư nói, đồng thời nêu, chúng ta cũng không bao giờ quên ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của anh em bạn bè và nhân dân tiến bộ trên thế giới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, dân tộc ta đã trải qua 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 80 năm nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, sự vào cuộc tích cực, có hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của triệu người như một, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vĩ đại mang tính lịch sử, có những kỳ tích…

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Quân.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Quân.

"Chặng đường gần 1 thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá trong hàng chục năm liên tục, bị bao vây, cô lập, nhưng đến nay, Việt Nam đã trở thành một nước XHCN đang phát triển có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều diễn đàn đa phương…", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Dành thời gian nói về một số thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam, Tổng Bí thư khẳng định, đến nay, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được lan tỏa. Theo Tổng Bí thư, từ năm học 2025 - 2026, nhà nước sẽ miễn học phí cho trẻ em từ mẫu giáo đến hết trung học phổ thông. Nhiều chính sách thể hiện tính ưu việt của CNXH sẽ tiếp tục được triển khai, áp dụng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là người lao động, người già, người yếu thế trong xã hội, những người có công với đất nước "để không ai bị bỏ lại phía sau".

"Các chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm", Tổng Bí thư nói, thông tin, bảo hiểm y tế được mở rộng, phấn đấu mỗi năm, mỗi người dân sẽ được kiểm tra sức khỏe ít nhất một lần, phấn đấu nâng mức tuổi thọ trung bình của người dân từ mức 74,5 tuổi hiện nay lên mức 80 tuổi vào những năm 2045 - 2050.

Tổng Bí thư khẳng định, "thành quả cách mạng của Việt Nam đúng là kỳ tích, là điều mà những người lạc quan nhất cũng khó tưởng tượng được".

"Tuy vậy, tất cả chúng ta ngồi đây đều mong muốn đất nước ta mạnh hơn, nhân dân ta giàu hơn, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân liên tục được nâng cao, để Việt Nam sải bước trên con đường phát triển phồn vinh trong tương lai", Tổng Bí thư nêu.

Sắp xếp đơn vị hành chính với tầm nhìn xa trông rộng

Nêu về tình hình đất nước, những chủ trương, chính sách của Đảng hiện nay, Tổng Bí thư cho biết, Trung ương đã xác định ba nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến năm 2030. Đó là giữ vững, duy trì môi trường hòa bình, an ninh trật tự để phát triển đất nước; phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững; nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là người lao động, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tất cả vì nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Quân.

Tổng Bí thư Tô Lâm, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Quân.

"Hội nghị Trung ương 11 vừa kết thúc hôm 12/4 được coi là hội nghị lịch sử trong chặng đường cách mạng của nước ta. Ban Chấp hành Trung ương thống nhất rất cao các nội dung liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp với tầm nhìn xa, trông rộng ít nhất cho 100 năm, đảm bảo cho sự hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển và hội nhập của đất nước", Tổng Bí thư cho biết.

Tổng Bí thư thông tin, mô hình chính quyền địa phương mới có 2 cấp, đó là cấp tỉnh (tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường và đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, gồm 28 tỉnh và 6 thành trực thuộc Trung ương. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo giảm khoảng từ 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay và không tổ chức cấp huyện.

Theo Tổng Bí thư, với mô hình tổ chức hành chính mới thì cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương vừa là cấp ban hành các chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố. Ngoài ra cấp tỉnh còn trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên phạm vi địa bàn.

Với cấp xã chủ yếu thực hiện chính sách từ cấp Trung ương, cấp tỉnh ban hành. Cấp xã cũng được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định những việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Ban Chấp hành Trung ương cũng thống nhất chủ trương sắp xếp tinh gọn, hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các cuộc quần chúng. Trung ương cũng đồng ý chủ trương tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy TAND, Viện KSND; kết thúc hoạt động của TAND, Viện KSND cấp huyện...

Nói thêm về đơn vị hành chính cấp cơ sở, Tổng Bí thư nhấn mạnh, mọi thủ tục hành chính, mọi vấn đề liên quan đến người dân phải xử lý ở cấp xã. Người dân không phải lên tỉnh, lên trung ương để giải quyết các công việc. Tổng Bí thư ví dụ, lãnh đạo xã phải biết trong xã có bao nhiêu trẻ em sắp vào lớp 1 để chuẩn bị đủ số lượng giáo viên, trường học; hay phải nắm được sức khỏe người dân trên địa bàn có bao nhiêu người bị bệnh tim, bệnh phổi... để có phương án đào tạo bác sĩ, kế hoạch mua thuốc, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe... "Xã phải gần dân, sát dân, nắm được những yêu cầu của dân. Mọi vấn đề phải được giải quyết ở đấy", Tổng Bí thư nói.

Cảnh báo tình trạng "đục nước béo cò" khi sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính

Tại buổi gặp, Tổng Bí thư cũng trao đổi về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Theo Tổng Bí thư, thời gian qua, công tác này được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đã quyết định bổ sung nội hàm phòng, chống lãng phí, tạo ra bộ ba cần phải loại bỏ đó là "tham nhũng, lãng phí và tiêu cực".

Tổng Bí thư cho rằng quyết định này tạo ra sự răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Công tác này sẽ tiếp tục được tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục. Bộ Chính trị cũng đã bổ bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh với trọng tâm là chỉ đạo phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Theo Tổng Bí thư, cần phải có phong trào toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cuộc sống, từng gia đình, từng người dân, vì sự lãng phí trong xã hội vẫn còn rất lớn.

Các đại biểu dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Quân.

Các đại biểu dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Quân.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động. Trên khía cạnh nào đó, lãng phí còn gây tổn hại cao hơn tham nhũng, tiêu cực. Theo báo cáo, cả nước hiện nay còn tồn đọng khoảng 2.805 các công trình, dự án chậm hoặc không được đưa vào sử dụng có nguy cơ gây ra lãng phí. Bước đầu xác định có 483 dự án với diện tích đất là khoảng 19.775 ha đất chưa được đưa vào sử dụng... Có hàng trăm dự án, có giá trị từ vài trăm nghìn tỷ đồng cho đến hàng triệu tỷ đồng đang gặp những vướng mắc, bị ngưng trệ dở dang.

"Những công trình này không chỉ gây thiệt hại, lãng phí về tiền bạc mà còn gây sự thiệt hại nhiều về lĩnh vực xã hội khác mà không thể tính được hết được bằng tiền. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được Đảng tiến hành với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ", Tổng Bí thư khẳng định.

Đáng chú ý, theo Tổng Bí thư, trong quá trình tổ chức đại hội đảng các cấp, cơ cấu lại hệ thống hành chính, sắp xếp tổ chức cán bộ, di dời trụ sở cơ quan, không tổ chức cấp huyện, tổ chức lại cấp xã "sẽ không loại trừ tình trạng đục nước, béo cò, tranh tối tranh sáng để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực". Vì thế, rất cần trách nhiệm phòng, chống của cả hệ thống chính trị, của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực Trung ương và cấp tỉnh.

Trường Phong - Trọng Quân

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tong-bi-thu-to-lam-canh-bao-tinh-trang-duc-nuoc-beo-co-khi-sap-xep-to-chuc-bo-may-post1734010.tpo