Tổng Bí thư Tô Lâm: Có chính sách đặc biệt thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Bộ Nội vụ cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt như vượt khung lương, nhà ở, môi trường làm việc để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo...về nước làm việc.

“Bộ Nội vụ chủ trì khẩn trương xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong và ngoài nước, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ mũi nhọn (trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới...).

Đồng thời, có chính sách đãi ngộ đặc biệt (vượt khung lương, nhà ở, môi trường làm việc) để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc”.

Đây là yêu cầu được nêu ra trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST&CĐS) tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW.

 Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, hôm 2-7. Ảnh: NHÂN DÂN

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, hôm 2-7. Ảnh: NHÂN DÂN

Xây dựng chiến lược thu hút nhân tài về KHCN

Trong kết luận, Tổng Bí thư Tô Lâm giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển, trọng dụng nhân tài, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành phục vụ phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia; triển khai Chiến lược thu hút nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Cạnh đó, người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, có quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì, kiên định, làm bằng được để củng cố niềm tin của toàn xã hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ đã quá hạn.

Tiếp tục rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm mục tiêu trong năm 2025 tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn về pháp luật (cả điểm nghẽn trên các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực KHCN, ĐMST&CĐS nói riêng)...

Về phát triển KHCN, ĐMST, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng Tổng công trình sư, Kiến trúc sư trưởng để triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá theo Kế hoạch hành động chiến lược. Việc này báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 7-2025.

Các bộ, cơ quan chủ động tìm kiếm, phát hiện và đề xuất các ứng viên tiềm năng cho các vị trí Tổng công trình sư, Kiến trúc sư trưởng, bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế có uy tín.

Mục tiêu là phải hình thành được cơ chế và tìm kiếm được những cá nhân thực sự xuất sắc, có đủ đức, đủ tài, đủ uy tín và trao cho họ đủ thẩm quyền, nguồn lực để quy tụ lực lượng, dẫn dắt và chịu trách nhiệm cao nhất về sự thành công của các chương trình, nhiệm vụ chiến lược quốc gia. Thông báo đã chỉ ra những điển hình mà Việt Nam đã có như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Lương Đình Của, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu...).

Có kế hoạch thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức nghiên cứu, lựa chọn để đề xuất danh mục gồm 1 đến 3 lĩnh vực hoặc sản phẩm công nghệ chiến lược cần ưu tiên triển khai ngay, nhằm hiện thực hóa các Sáng kiến đột phá trên cơ sở Danh mục Công nghệ chiến lược.

Bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai các sản phẩm nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học. Cùng đó, thiết kế các chương trình kết nối thực chất giữa nhà khoa học và doanh nghiệp giúp thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ.

Nghiên cứu đề xuất xây dựng, phát triển mô hình Đại học công nghệ thế hệ mới (được tổ chức theo tư duy tích hợp giữa giáo dục - nghiên cứu - đổi mới sáng tạo, có định hướng công nghệ cao và kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, thị trường, cũng như các chiến lược quốc gia).

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kết nối, chia sẻ dữ liệu về khoa học và công nghệ với dữ liệu của cơ quan thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh... nhằm hình thành hệ thống dữ liệu thống nhất, phục vụ hoạch định chính sách và chỉ đạo điều hành về KHCN, ĐMST&CĐS.

“Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và các doanh nghiệp lớn liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, đàm phán và mua lại các công ty công nghệ nước ngoài có sở hữu trí tuệ, bí quyết công nghệ quan trọng để thúc đẩy sở hữu công nghệ lõi” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Thu hút 100 chuyên gia giỏi để phát triển AI

Trước đó, Bộ KH&CN cũng đã phê duyệt kế hoạch thu hút 100 chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia các chương trình, nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Mục tiêu của kế hoạch này là huy động và phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia giỏi trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy sự phát triển đột phá về AI tại Việt Nam. Thông qua đó góp phần xây dựng nền tảng vững chắc để AI trở thành động lực chiến lược cho tăng trưởng kinh tế, hiện đại hóa quản trị, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực cạnh tranh quốc gia...

Kế hoạch đề ra 15 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đáng chú ý như thiết lập cơ sở dữ liệu chuyên gia AI quốc gia; phát triển nền tảng số AI, IoT trong công nghệ bảo quản giữ tươi lâu dài nông sản sau thu hoạch; xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức.

Bộ KH&CN cũng giao chuyên gia, doanh nghiệp phát triển các mô hình AI “Make in Vietnam” trong các lĩnh vực ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, dữ liệu.

Trong đó, xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt có tối thiểu 100 tỉ tham số, có khả năng hiểu văn bản trong các lĩnh vực như pháp luật, tài chính – kế toán, thuế, nông nghiệp, văn hóa, lịch sử…

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tong-bi-thu-to-lam-co-chinh-sach-dac-biet-thu-hut-it-nhat-100-chuyen-gia-hang-dau-ve-nuoc-post858940.html