Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra hoạt động chính quyền hai cấp tại phường Tây Hồ

Chia sẻ tại buổi làm việc với phường Tây Hồ (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay người dân nói với ông mô hình chính quyền hai cấp vận hành thuận lợi, thủ tục nhanh hơn, tiện lợi hơn trước…

Chiều 1-7, ngày đầu tiên mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động trên cả nước, đoàn công tác Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đã tới kiểm tra, làm việc với phường Tây Hồ, TP Hà Nội.

Bộ máy mới vận hành thông suốt

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư chia sẻ: “Việc đoàn công tác Trung ương làm việc trực tiếp với cấp phường thể hiện đúng tinh thần đổi mới, sát cơ sở, sát nhân dân. Bộ máy nhà nước không nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc, mà phải thực sự gần dân, lắng nghe dân và phục vụ dân.”

 Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương kiểm tra, làm việc với phường Tây Hồ, TP Hà Nội trong ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: TP

Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương kiểm tra, làm việc với phường Tây Hồ, TP Hà Nội trong ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: TP

Tổng Bí thư cho biết cảm nhận rất rõ không khí khẩn trương, nghiêm túc trong ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp. Ông ghi nhận sự chuẩn bị bài bản, chu đáo của phường Tây Hồ, từ quy chế làm việc, kế hoạch công tác đến việc thống nhất bộ máy sau sắp xếp.

Tổng Bí thư đánh giá cao việc các cán bộ lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm tại quận được bố trí về phường, góp phần đảm bảo hoạt động trơn tru ngay từ ngày đầu.

“Tôi thấy người dân, cán bộ đều rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ chủ trương này. Có người dân còn nói với tôi rằng họ chờ đến ngày 1-7 xem có trục trặc gì không, nhưng kết quả là mọi thứ đều diễn ra thuận lợi, thủ tục nhanh hơn, tiện lợi hơn trước”, Tổng Bí thư nói.

Tây Hồ phải trở thành trung tâm văn hóa, du lịch của Thủ đô

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh vai trò, vị trí đặc biệt của phường Tây Hồ – một trong những địa bàn có quy mô dân cư lớn, với hơn 100.000 dân, diện tích hơn 10 km², nhiều di tích, danh thắng và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.

“Với quy mô như vậy, chính quyền phường phải giải quyết tốt các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… Tôi đánh giá cao việc các đồng chí đã hình dung được toàn diện khối lượng công việc cần làm và bắt tay ngay vào thực hiện”, ông nói.

Tổng Bí thư cũng lưu ý phường Tây Hồ cần xây dựng định hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới cần gắn với tiềm năng và lợi thế của địa phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch.

“Tây Hồ có thể trở thành trung tâm ẩm thực, văn hóa, du lịch của Thủ đô. Nhưng muốn vậy, phải có tổ chức bài bản, có quản lý, có kiến tạo, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…”, Tổng Bí thư nói.

Ông gợi mở mô hình các công ty chuyên nấu suất ăn tập trung cho trường học, bệnh viện, cơ quan, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa giảm gánh nặng cho nhà trường và phụ huynh.

“Một phường có mười mấy trường học, có hàng chục nghìn dân, thì dịch vụ ăn uống, giáo dục, y tế phải chuyên nghiệp và phục vụ hiệu quả”, Tổng Bí thư lưu ý.

Tổng Bí thư nhấn mạnh phường Tây Hồ cần chăm lo toàn diện đời sống nhân dân. Hà Nội là Thủ đô, mức sống cao, thu nhập cao thì phúc lợi xã hội, dịch vụ công cũng phải đi đầu, phải là mẫu mực cho cả nước. Từ nhà ở, học hành, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe… đều phải được quan tâm đúng mức.

Nghị quyết phải đi vào cuộc sống

Tổng Bí thư cũng nêu lên thực trạng nhiều nghị quyết Trung ương ban hành rất hay, nhưng khi xuống tới cấp phường, tới dân lại trở nên nhạt nhòa, khó triển khai.

“Cấp cơ sở phải chủ động quán triệt, triển khai nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển kinh tế tư nhân, chuyển đổi số, giáo dục, y tế…”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, cấp phường hiện nay được phân cấp xử lý hàng ngàn thủ tục hành chính, do đó cán bộ công chức phải nắm chắc quy định pháp luật, hướng dẫn cho dân thực hiện đúng, đủ, hiệu quả.

“Không chỉ làm hết trách nhiệm, mà phải làm đến cùng, làm đến khi người dân hài lòng”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, cán bộ phải biết lắng nghe dân, thấu hiểu dân, đồng hành với dân. “Cái gì người dân băn khoăn, vướng mắc thì phải chủ động tiếp cận, hỗ trợ, hướng dẫn. Thậm chí dân chưa hỏi mà cán bộ đã phải biết cần làm gì. Không biết dân cần gì là dở, biết mà không làm thì càng dở hơn”, ông nói.

Tổng Bí thư đánh giá cao việc địa phương đề xuất chuyển trụ sở cũ của UBND phường Nghĩa Đô thành trường học, bởi hiện nay trường học thiếu nghiêm trọng về diện tích, sân chơi.

Ông cũng gợi ý cần có sự phân cấp mạnh hơn trong lĩnh vực y tế và giáo dục, theo hướng thành phố quản lý trực tiếp, vì năng lực và chuyên môn của Hà Nội hoàn toàn đủ khả năng.

Trọng Phú

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-bi-thu-to-lam-kiem-tra-hoat-dong-chinh-quyen-hai-cap-tai-phuong-tay-ho-post858274.html