Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus và thăm chính thức LB Nga
Từ ngày 5 đến ngày 12/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus và thăm chính thức Liên bang Nga.

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: TTXVN)
Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 02/5, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jormat Tokayev, Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hòa Belarus Aleksandr Lukashenko, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 05 đến ngày 12/5/2025.
Tình hình hợp tác trong các lĩnh vực giữa Việt Nam với các đối tác: Kazakhstan, Azerbaijan, Liên bang Nga, Belarus
* Kazakhstan: Việt Nam và Kazakhstan có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992. Tháng 7/2008, Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan chính thức được mở. Ngày 30/3/2015, Kazakhstan mở Đại sứ quán tại Việt Nam. Việt Nam và Kazakhstan đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao.
Thương mại song phương giữa Việt Nam và Kazakhstan có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khiêm tốn. Năm 2024, trao đổi thương mại song phương đạt 800 triệu USD, tăng 99% so với năm 2023. Ba tháng đầu năm 2025, kim ngạch song phương đạt 146,3 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ 2024, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Kazakhstan đạt 115,7 triệu USD, nhập khẩu từ Kazakhstan về Việt Nam đạt 30,6 triệu USD, tăng 271,8%.
Hiện nay mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên còn hạn chế. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, máy vi tính, hàng điện tử, nông sản (gạo, hạt điều, hạt tiêu), hải sản, rau quả đóng hộp, quần áo, giày dép; nhập khẩu sắt thép các loại, kim loại thường khác, lúa mì, bông các loại.
Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật họp luân phiên. Khóa 11 được tổ chức tại Kazakhstan vào tháng 5/2024.
Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu ký Hiệp định Thương mại tự do vào ngày 29/5/2015 tại Kazakhstan. Hiệp định có hiệu lực từ 05/10/2016. Kazakhstan là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam trong EAEU (sau Nga). Hiện nay tại hai nước chưa có Thương vụ trên lãnh thổ của nhau.
Trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Công ty Dầu khí Quốc gia Kazakhstan (KazMunaigas) đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, kim ngạch thương mại nông sản giữa Việt Nam và Kazakhstan vào khoảng 25-30 triệu USD/năm. Việt Nam xuất khẩu sang Kazakhstan chủ yếu là các sản phẩm rau quả đóng hộp, gỗ, chè, hạt tiêu, điều,… và nhập khẩu chủ yếu là các sản phẩm từ sắn và lúa mỳ.
Việt Nam và Kazakhstan cũng có nhiều chương trình, hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực: giao thông vận tải, lao động, du lịch, văn hóa, hợp tác địa phương...
* Azerbaijan: Việt Nam và Azerbaijan có quan hệ hữu nghị truyền thống. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1992. Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Azerbaijan. Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam hoạt động từ tháng 8/2013. Hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp, bao gồm cấp cao.
Việt Nam và Azerbaijan đã thành lập Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Azerbaijan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật ở cấp Bộ trưởng (Chủ tịch Phân ban phía Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Công Thương) và đã tiến hành được 2 Khóa họp, gần đây nhất vào tháng 07/2018 tại Azerbaijan.
Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Azerbaijan phát triển mạnh trong nhữn năm gần đây, năm 2022 trao đổi thương mại song phương đạt 702,5 triệu USD, tăng 730% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Azerbaijan đạt 38 triệu USD, nhập khẩu đạt 664,5 triệu USD; năm 2023 đạt gần 250 triệu USD; năm 2024 đạt gần 52 triệu USD; quý I/2025 đạt hơn 100 triệu USD. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu máy tính, điện thoại và linh kiện, thủy sản sang Azerbaijan, nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu.
Hợp tác trên các lĩnh vực khác từng bước được thúc đẩy. Hợp tác giáo dục - đào tạo là lĩnh vực truyền thống và dần được khôi phục, với một số sinh viên ngành dầu khí và quan hệ quốc tế theo học tại Azerbaijan thời gian gần đây. Hai bên đã hoàn tất đàm phán Hiệp định về hợp tác giáo dục đào tạo.
* Liên bang Nga: Ngày 30/01/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết (Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới. Ngày 01/03/2001, Việt Nam và Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược. Ngày 27/7/2012, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Ngày 30/11/2021, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược đến năm 2030. Ngày 20/6/2024, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga. Quan hệ chính trị Việt - Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, Việt Nam và Liên bang Nga duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, thành lập từ năm 1992 và được nâng cấp lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011. Ủy ban liên Chính phủ họp thường niên. Khóa họp lần thứ 25 được tổ chức tại Nga vào tháng 9/2024.
Trong lĩnh vực thương mại, sau đại dịch Covid-19, kim ngạch song phương đã có dấu hiệu phục hồi; đạt 3,63 tỷ USD năm 2023 (tăng 2,3%); Năm 2024 đạt 4,58 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: điện thoại, điện tử, dệt may, giầy dép, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: than đá, lúa mỳ, sắt thép, phân bón, ô tô, máy móc, thiết bị các loại… Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu (Liên bang Nga là thành viên) đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do vào ngày 29/5/2015, có hiệu lực từ ngày 05/10/2016.
Về đầu tư, tính lũy kế đến đầu tháng 11/2024, phía Nga hiện có 199 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 990 triệu USD, đứng thứ 26/147 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, được thực hiện tại 21/63 địa phương, bao gồm cả khu vực dầu khí ngoài khơi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Việt Nam có 16 dự án đầu tư sang Nga còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,6 tỷ USD, xếp thứ 4/81 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư, chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Dự án chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Tập đoàn TH tại Nga, một số dự án công nghiệp và bất động sản…
Bên cạnh đó, Việt Nam và Liên bang Nga có nhiều hoạt động hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực khác như: Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương; văn hóa, du lịch; khoa học - công nghệ; giáo dục đào tạo, hợp tác địa phương...
* Belarus: Việt Nam và Belarus có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, duy trì thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, bao gồm cấp cao. Belarus đã lập Đại sứ quán tại Việt Nam từ năm 1998. Việt Nam lập Đại sứ quán tại Belarus tháng 10/2003 và cử Đại sứ thường trú đầu tiên tại Belarus tháng 3/2005.
Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, Việt Nam và Belarus có nhiều thế mạnh bổ sung cho nhau. Việt Nam xuất sang Belarus thủy hải sản, cao su tự nhiên, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính...; nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa, phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ô-tô, máy kéo, ô tô tải, hóa chất...
Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Belarus về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật có Chủ tịch Phân ban phía Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Phân ban phía Bê-la-rút là Phó Thủ tướng. Khóa họp 16 được tổ chức tại Hà Nội tháng 4/2025.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) được ký tháng 5/2015 và có hiệu lực từ tháng 10/2016.
Về đầu tư, hiện nay, Belarus có 3 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 32,2 triệu USD. Việt Nam có 1 dự án đầu tư sang Belarus với tổng vốn đầu tư là 810 nghìn USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Belarus có nhiều hoạt động hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như: khoa học - công nghệ; lao động; văn hóa, du lịch; giáo dục đào tạo, hợp tác địa phương...
(theo Bộ Ngoại giao)