Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Bộ Y tế
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 -27/2/2025), ngày 24/2, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thăm, làm việc với Bộ Y tế về kết quả thực hiện công tác y tế trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới...

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Bộ Y tế, sáng 24/2. Ảnh: Trần Minh.
Cùng dự buổi làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Tuyên giáo Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành Trung ương.
MỨC ĐỘ THỤ HƯỞNG CÁC DỊCH VỤ Y TẾ CỦA NGƯỜI DÂN TĂNG
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã báo cáo tóm tắt kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của ngành Y tế thời gian qua và phương hướng thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, nhiều chỉ tiêu đã vượt so với yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới như: Tuổi thọ trung bình (tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân năm 2024 là 74,7 tuổi, đã đạt và vượt mức 74,5 tuổi vào năm 2025, cao hơn trung bình thế giới là 73,3), tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng.... Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ lĩnh vực y tế.
Mức độ tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế của người dân được tăng lên cả số lượt khám chữa bệnh và mức hưởng từ thanh toán bảo hiểm y tế. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc gắn chặt với y tế cơ sở.
Năng lực phòng chống dịch, bệnh không ngừng được nâng cao. Thanh toán, loại trừ và khống chế nhiều bệnh nguy hiểm lưu hành cũng như ứng phó hiệu quả với dịch nguy hiểm mới nổi, đặc biệt thành công của Việt Nam trong kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được các tổ chức quốc tế và thế giới đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực y khoa (như ghép tạng, ghép đa tạng trên một người bệnh, can thiệp tim bào thai…). Các kỹ thuật tiên tiến được chuyển giao từ bệnh viện Trung ương cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện các địa phương trong cả nước đồng thời thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho các nước khác.
Đội ngũ nhân lực y tế ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng. Năm 2024, các chỉ tiêu nhân lực y tế trên 1 vạn dân lần lượt là 14 bác sỹ, 18 điều dưỡng và 3,3 dược sỹ đại học.
Cùng với đó, trong những năm vừa qua, ngành Y tế đã nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, có hiệu quả trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh và sản xuất thuốc mới, vaccine. “Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất được 10/12 vaccine sử dụng cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện Bộ đang tập trung triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận trong công tác y tế - dân số cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại, trong đó có các nhóm vấn đề chính liên quan đến sự chênh lệch vùng miền về chỉ số sức khỏe, tiếp cận dịch vụ y tế, hệ thống cung ứng dịch vụ y tế thiếu cân bằng và hiệu quả, nguồn lực cho y tế chưa được đảm bảo cả về nhân lực, tài lực và cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế.
TẬP TRUNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN, RÀO CẢN CHO NGÀNH Y TẾ VƯƠN DẬY
Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, những thách thức mà ngành Y tế đang đối mặt đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới. Những thách thức này không chỉ đến từ yếu tố nội tại của ngành, mà còn bởi các yếu tố kinh tế, xã hội và công nghệ.
Để giải quyết các thách thức này, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về lĩnh vực y tế, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế.
Y tế không chỉ là khám, chữa trị cho người bệnh, mà cần hơn đó là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân để hạn chế bệnh tật; tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng bệnh, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Đồng thời, tăng cường y tế cộng đồng; tăng cường số lượt người dân được đến các cơ sở y tế thăm, khám sức khỏe hàng năm hoặc mỗi nửa năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, rào cản, nút thắt để ngành Y tế vươn dậy.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu nâng cao y đức trong cán bộ y tế. Ngoài thực hiện thật tốt những lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành Y tế, mỗi thầy thuốc, bác sĩ, cán bộ công nhân viên ngành của ngành ngoài làm thật tốt chuyên môn, cần nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe bệnh nhân; đối xử công bằng, không phân biệt “nhân thân” người bệnh.
Về cải thiện chính sách đãi ngộ và đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, Tổng Bí thư đề nghị Bộ Y tế cần sớm có đề xuất cụ thể để cải thiện mức lương và chế độ phụ cấp cho bác sĩ, y tá, đặc biệt tại vùng khó khăn; hỗ trợ tài chính cho sinh viên y khoa cam kết làm việc tại y tế cơ sở sau khi tốt nghiệp.
Ngành chú trọng thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức y tế quốc tế để đào tạo bác sĩ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến; tạo điều kiện để bác sĩ tham gia hội nghị khoa học, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài để không ngừng nâng cao trình độ, kinh nghiệm.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MOH.
Ngành cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế để hỗ trợ người yếu thế, bảo đảm các nhóm yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có bảo hiểm y tế toàn diện; đồng thời cải thiện danh mục chi trả bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Ngành Y tế cũng cần xây dựng chiến lược tổng thể chăm sóc sức khỏe con người, sức khỏe cộng đồng. Sớm hoàn thiện các quy định về quản lý dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe; phòng, chống dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng; quản lý thuốc, sinh phẩm và thiết bị y tế; bảo hiểm y tế và an sinh xã hội; quyền và nghĩa vụ của người bệnh và nhân viên y tế...
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tong-bi-thu-to-lam-tham-va-lam-viec-voi-bo-y-te.htm