Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Việt Nam làm chủ được những kỹ thuật y khoa đỉnh cao

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, y tế Việt Nam làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao như ghép tạng, ghép đa tạng trên một người bệnh, can thiệp tim bào thai... Mức độ tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế của người dân cũng được tăng lên.

Báo cáo với Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác của Trung ương tại buổi làm việc ngày 24/2 nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết nhiều chỉ tiêu của ngành đã vượt so với yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tuổi thọ trung bình của người Việt hiện là 74,7 tuổi

Theo đó, tuổi thọ trung bình của người dân năm 2024 là 74,7 tuổi (vượt mục tiêu đạt 74,5 tuổi vào năm 2025, cao hơn trung bình thế giới là 73,3 tuổi). Sức khỏe thể chất người Việt Nam được cải thiện đáng kể, cải thiện chiều cao và tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Kết quả đánh giá về thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Việt Nam năm 2023 đạt 68/100 điểm cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (62 điểm).

Mức độ tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế của người dân được tăng lên. Tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ y tế được cải thiện qua các năm, đạt mức hơn 90% năm 2024, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực y khoa (như ghép tạng, ghép đa tạng trên một người bệnh, can thiệp tim bào thai…), Bộ trưởng Y tế cho biết. Các kỹ thuật tiên tiến được chuyển giao từ bệnh viện trung ương cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện địa phương, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho các nước khác.

Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực y khoa như ghép tạng. Trong ảnh là ca ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương cuối năm 2024. Ảnh: BVCC

Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực y khoa như ghép tạng. Trong ảnh là ca ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương cuối năm 2024. Ảnh: BVCC

Đội ngũ nhân lực y tế ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng. Năm 2024, các chỉ tiêu nhân lực y tế trên 1 vạn dân lần lượt là 14 bác sĩ, 18 điều dưỡng và 3,3 dược sĩ đại học. 2/3 chỉ tiêu nhân lực y tế (số lượng bác sĩ và dược sĩ đại học) vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 20.

Người đứng đầu ngành Y tế cho biết Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất được 10 trong số 12 vắc xin sử dụng cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Bộ đang tập trung triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Dự kiến năm 2025 tăng thêm 26 triệu tài khoản Sổ sức khỏe điện tử

Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, ngành y tế đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật của các nền tảng số: nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa…

Năm 2024, Bộ Y tế xếp thứ 11/19 bộ ngành về chuyển đổi số, tăng 2 bậc xếp hạng so với năm 2023. Bộ tập trung chỉ đạo, quán triệt các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đẩy mạnh triển khai tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

100% cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đã kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp được gần 21 triệu tài khoản thẻ BHYT, trong đó có gần 16 triệu tài khoản Sổ sức khỏe điện tử (đạt gần 16% dân số cả nước) năm 2024, dự kiến tăng lên 40 triệu tài khoản vào năm 2025.

Người dân vẫn phải đương đầu với gánh nặng bệnh tật kèm gánh nặng chi phí y tế gia tăng

Bộ trưởng Y tế cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại ngành y tế đang phải đối diện, trong đó có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền về chỉ số sức khỏe, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và chất lượng dịch vụ y tế.

Hệ thống y tế vẫn chủ yếu tập trung vào điều trị; công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở chưa được chú trọng đúng mức; người dân phải đương đầu với gánh nặng bệnh tật kèm theo gánh nặng chi phí y tế gia tăng.

Cùng với đó, quy mô nhân lực y tế chưa đạt như kỳ vọng. Cơ chế tài chính cho y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, chưa đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng chưa tạo khích lệ phù hợp để tăng cường năng lực và chất lượng dịch vụ y tế cơ sở. Đầu tư phát triển khoa học công nghệ chưa đồng bộ, kịp thời để đáp ứng được tốc độ phát triển khoa học công nghệ chung của khu vực và quốc tế.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-dao-hong-lan-viet-nam-lam-chu-duoc-nhung-ky-thuat-y-khoa-dinh-cao-2374520.html