Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Thời cơ vàng' để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy
Đây là khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên thảo luận tổ sáng nay, 13.2, về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh, mục tiêu của cuộc cải cách về tổ chức bộ máy lần này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi chỉ có tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực bảo vệ đất nước, bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện để thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước, đạt được các mục tiêu mới, tránh được nguy cơ tụt hậu. Thời điểm hiện nay chính là 'thời cơ vàng' để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy.
Mục tiêu của chúng ta là hiệu lực, hiệu quả để đưa đất nước phát triển
Trước hết, tôi nhận thấy không khí chung đều rất phấn khởi. Những chủ trương của Đảng về việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy đã được nhân dân, các cơ quan và Quốc hội đồng tình ủng hộ, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện rất nhanh và hiệu quả. Đây là một chủ trương rất đúng và cũng là điều người dân mong đợi từ lâu. Việc tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ nhằm tiết kiệm tiền và chi phí, mà điều quan trọng hơn cả là nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước để đưa đất nước phát triển. Đây chắc chắn là điều chúng ta mong mỏi nhất. Mục tiêu của chúng ta là hiệu lực, hiệu quả để đưa đất nước phát triển.
Để đất nước phát triển, tôi nghĩ có hai nhiệm vụ rất quan trọng trong nhiều nhiệm vụ là bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn độc lập - những điều này không thể thay đổi được, bất di bất dịch, bất kể thời gian nào cũng đều phải thực hiện. Để đất nước tồn tại và phát triển, trước hết phải có sự tăng trưởng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Khi đã có tăng trưởng, đời sống của Nhân dân phải được thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực. Hai nhiệm vụ này liên tục phải được bảo đảm, bởi bây giờ “anh” bảo “anh” tăng trưởng hay, nhưng đời sống nhân dân thực tế không tăng là không được. Đời sống nhân dân toàn diện trên các lĩnh vực, từ xã hội đến y tế, giáo dục, văn hóa đều phải được nâng cao. Đấy là hiệu quả của Nhà nước. Chúng ta nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả Nhà nước là để phát triển đất nước và để đất nước tiếp tục phát triển, kinh tế phát triển, thì đời sống của người dân phải được bảo đảm. Đấy là mục tiêu xuyên suốt mà trước mắt chúng ta phải tập trung để giải quyết.
Để tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chúng ta phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ. Và để bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, thì cần có hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước.
Để làm tốt các nhiệm vụ đó, đầu tiên phải có mô hình tổ chức bộ máy. Thứ hai, phải có hệ thống quy định pháp luật để bộ máy nhà nước và toàn dân thực hiện đồng nhất, đồng lòng; không thể quy định mỗi người một hướng, mà phải có sự đồng nhất, đồng lòng để thực hiện. Thứ ba, cần bố trí đội ngũ cán bộ như thế nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và thực thi pháp luật đúng quy định. Đây là các bước chúng ta đang phải thực hiện. Mô hình tổ chức bộ máy đã được sắp xếp và cơ bản được đồng tình từ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đến chính quyền địa phương và cơ sở, người dân.
Chúng ta cần xác định cơ chế hoạt động cho công việc này, quy định bằng hệ thống pháp luật. Khi đã thống nhất, thì cần bố trí một đội ngũ cán bộ để thực thi các nhiệm vụ. Như vậy, chúng ta phải hết lòng, hết sức vì dân, vì Đảng. Đó là lộ trình, bước đi chúng ta đang thực hiện.
Với hệ thống pháp luật, tại Kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội đang tập trung xem xét, sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy, như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và một số dự thảo Nghị quyết có liên quan. Chúng ta cần phải có những giải pháp, vì đây là một vấn đề hết sức lớn và đã tồn đọng nhiều năm, Nghị quyết Trung ương đã xác định từ nhiều khóa, từ Khóa VI Đảng ta đã nói đến việc bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương khóa XII tiếp tục khẳng định, nhưng chúng ta cũng chưa thực hiện được, thế nên, đến Khóa XIII tiếp tục phải làm.
Vừa qua, chúng ta mới đặt vấn đề tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW xem đã làm được những việc gì, thì thấy có quá nhiều việc chưa làm được.
Do đó, việc tinh gọn bộ máy là không thể trì hoãn, vì nếu chờ đến Đại hội XIV của Đảng, khi mọi thứ đã được quyết định và bầu chọn, thì việc thay đổi sẽ trở nên khó khăn. Đây là một vấn đề cấp bách, nhưng cũng không kém phần phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng nên để việc này sau Đại hội sang nhiệm kỳ mới để tránh những va chạm, tâm tư. Nhưng tôi thấy rằng, để sau Đại hội thì càng không làm được. Vừa Đại hội xong, vừa bầu, vừa biểu quyết, thì ai làm khác được, rất khó khăn. Vì vậy đây là thời cơ vàng để chúng ta làm việc này. Làm xong thì bước vào Đại hội mới tính toán được.
Mỗi giai đoạn của cách mạng, mỗi đường hướng ban hành ra phải có bộ máy để thực thi. Bây giờ chúng ta nói phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì bộ máy phải bảo đảm được mục tiêu đó và chính sách, pháp luật cũng phải hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu này. Kinh tế thị trường không thể hoạt động mà không có định hướng XHCN. Đây là giai đoạn yêu cầu của cách mạng và giai đoạn này cần phát triển theo hướng đó.
Một tiêu chí nữa, đó là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính. Đấy là căn cứ để toàn dân phải thực hiện, chứ không phải chỉ với một mô hình để bộ máy hoạt động. Chúng ta phải nghiên cứu và tính đến những tiêu chí đó, chưa kể đến khả năng phối hợp, năng lực dữ liệu, năng lực thực thi chính sách và chất lượng bộ máy. Chúng ta phải liên tục kiểm điểm và đánh giá. Chúng ta có kiểm điểm hàng năm và kiểm điểm nhiệm kỳ, nhưng nếu không đưa ra những vấn đề đó để kiểm điểm và đánh giá, thì mọi thứ sẽ cứ như cũ, cứ bằng phẳng với nhau, cứ như thế là được rồi.
Phải nghiên cứu đến vấn đề để bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và khả năng thực hiện những việc đó; phải tính đến khả năng quản lý về ngân sách. Ngân sách có tiềm lực đến như thế mà tại sao không phát triển được? Đầu tư công thế nào mà khó khăn như vậy? Có tiền mà Nhà nước không tiêu được? Vì sao lại có hệ thống luật lệ quy định phức tạp thế này? Phải có đủ các quy định thì mới tiêu được tiền. Địa phương này muốn hỗ trợ địa phương khác nhưng không được hợp tác đầu tư công, công không được, công - tư cũng không được, tư - tư lại càng không, thì phối hợp khả năng và nguồn lực xã hội như thế nào để thực hiện được?...
Năng lực cạnh tranh của thị trường, bộ máy nhà nước phải tính đến việc đó.
So sánh với các nước thì thấy thành quả của mình là quá vĩ đại sau 40 năm Đổi mới, nhưng nhìn ra thế giới mới thấy mình còn chậm, khả năng cạnh tranh quốc gia rất khó khăn. Ví dụ như nhìn sang Singapore, ban đầu chỉ là một cái làng chài thôi, nhưng sau 50 - 60 năm, người ta phát triển như thế. Lúc ấy, người ta còn nói rằng, nếu Singapore những năm 60, 70 của thế kỷ trước được sang TP. Hồ Chí Minh (lúc đó gọi là Sài Gòn), để khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy, thì đó là một niềm mơ ước. Nhưng 40 - 50 năm sau thì ngược lại, bây giờ chúng ta mơ ước để đi khám bệnh tại Singapore. Hoặc nhìn sang Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng vậy.
Những nguy cơ này Đảng ta cũng đã nhận định từ Đại hội VI, với nguy cơ về tụt hậu so với các nước mà mình không bằng người ta là mình tụt hậu rồi. Trong các nước ASEAN, Việt Nam đang ở tốp giữa thôi…
Nguy cơ tụt hậu là một trong 4 nguy cơ mà Đảng ta đã nhận định và đến bây giờ vẫn còn hiện hữu, thậm chí còn phức tạp hơn. Thế giới đang phát triển rất nhanh. Con người phải được phát triển trong một xã hội phát triển của một đất nước phát triển. Người dân có nhu cầu phải được chăm sóc, phải được học hành, phải được tự do, phải được làm giàu, phải được phát triển. Mục tiêu và lợi ích của con người phải tính đến những chuyện như vậy, phải được làm chủ, làm chủ thực sự. Đấy là một cơ chế về dân chủ, công khai, là mục tiêu của chúng ta.
Chúng ta cũng phải tính đến những cơ chế về hành pháp, sự công bằng về pháp quyền, tính dân chủ và mức độ liêm chính của Chính phủ, của Nhà nước. Chúng ta đấu tranh phòng, chống tham nhũng để làm việc này nhằm chứng minh rằng bộ máy hành chính của chúng ta có mức độ liêm chính. Đó là độ tin cậy của Chính phủ. Chúng ta phải làm tất cả những khâu đó và phải thực hiện một cách nghiêm túc. Đây chính là những tiêu chí để đánh giá hiệu lực, hiệu quả, và hiệu năng của bộ máy, của Nhà nước, của cơ quan và của chính quyền.
Những vấn đề thực tiễn đó đặt ra yêu cầu chúng ta cần phải có suy nghĩ và thực hiện những việc cần thiết. Ngân hàng Thế giới đã xây dựng Bộ chỉ số về hiệu quả của Chính phủ; trên cơ sở đó, họ sẽ đưa ra chỉ số quản trị toàn cầu. Chúng ta phải tham gia vào việc tính toán những vấn đề này, nhất là trong điều kiện hội nhập như hiện nay. Tất cả những nhu cầu đó đều có mục tiêu phải phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của đất nước hiện nay đòi hỏi tốc độ phát triển rất cao, rất nhanh, đòi hỏi một bước bứt phá. Tuy nhiên, bộ máy của chúng ta hiện nay nặng nề như vậy thì liệu có phát huy được hết hiệu quả và tiềm lực của những vấn đề này hay không, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như thế nào? Tôi lấy ví dụ ở một quận, huyện của Hà Nội, như huyện Đông Anh thu gần 30.000 tỷ đồng, còn quận Hoàn Kiếm thì phải thu khoảng hơn 20.000 tỷ đồng, con số này thậm chí gấp hơn 20 lần so với những tỉnh nghèo. Tại sao một huyện, một quận với quy mô đất đai và dân số như thế lại có thể đạt được những chỉ số về kinh tế như vậy? Tại sao trong phạm vi của một tỉnh, kinh tế lại phát triển mạnh mẽ như thế, trong khi người ta không có đất đai, tiềm năng và các tài nguyên khác mà lại có thể khuyến khích sản xuất và kinh doanh để tạo ra nguồn thu như vậy?
Chúng ta cần phải mang sách vở ra học hỏi, tính toán lại và rút kinh nghiệm từ những việc đó. Một huyện như vậy còn làm được, thì một tỉnh với quy mô đất đai lớn hơn cũng cần phải học hỏi. Hà Nội có những bài học, có cơ chế đặc thù của một Thủ đô và phát huy được. Chúng ta phải xác định rõ cái gì là kìm hãm, cái gì là hạn chế, cái gì là bài học phải rút ra...
Mục tiêu là để quản lý tốt hơn và phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân
Mục tiêu thứ hai là cải cách để chúng ta tăng trưởng. Chỉ có tăng trưởng mới có đủ tiềm lực để bảo vệ đất nước, bảo vệ Tổ quốc và mới đủ điều kiện để thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như đạt được các mục tiêu mới, giảm thiểu nguy cơ tụt hậu...
Trong tăng trưởng có nhiều giải pháp về tính toán, tổ chức bộ máy và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đây là một yêu cầu rất quan trọng. Bộ máy phải làm sao để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, động viên được nhân dân tham gia? Chúng ta bàn về việc đạt tăng trưởng hai con số, thì những cản trở là gì và điểm nghẽn nào cần khơi thông phải làm rõ. Toàn xã hội phải có sự chuyển mình trong vấn đề này. Nếu chúng ta không làm như thế sẽ không thể khai thác hết tiềm năng của mình. Tất cả đều phải được khơi dậy trong cuộc cải cách này và phải nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân để thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính và củng cố nền dân chủ. Nếu không huy động được sức mạnh của dân, thì sẽ rất khó khăn.
Tại sao người dân lại đồng tình và quan tâm đến vấn đề này như vậy? Vì người ta cũng mong muốn phát huy sức mạnh của người dân, sức mạnh của bộ máy nhà nước. Cái hay là chúng ta phải tổ chức được và việc này phải phục vụ người dân, phải kết nối được với người dân, với doanh nghiệp. Đó mới là những định hướng lớn chúng ta cần phải thực hiện và cần phải khuyến khích, quy định như thế nào để làm được.
Bây giờ, chúng ta cứ lo về quyền lực, rồi phân công, phân cấp quyền lực, nhưng hành chính cũng rất quan trọng, bộ máy là để hành chính. Thế cái gì là quyền lực, quyền lực đến đâu, ở mức độ nào, tất cả quyền lực hết thì lại bỏ mất hành chính, bỏ mất vai trò phục vụ nhân dân? Ủy ban Hành chính hay là UBND? Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, bây giờ phải có HĐND thì mới bầu ra được UBND. Thế nhưng, bây giờ chúng ta không tổ chức HĐND nữa, chỉ là Ủy ban Hành chính thôi, để phục vụ Nhân dân. Tất cả những việc đó thì quyền lực phải đi vào thực tế, phải làm những việc đó, chứ còn nếu chỉ máy móc một câu thì cũng không được.
Chúng ta đang mở ra những định hướng như vậy để lớn lên và mình có phải phụ thuộc vào việc đó hay không? Có ý kiến nói rằng, thực ra quận, huyện thì quyền lực cũng chỉ là phân công như vậy. Vì thế, Hà Nội đề xuất bỏ HĐND cấp phường xã, thì thấy đỡ được bao nhiêu phường. Những chuyện như vậy phải đi vào thực chất và chúng tôi đang rất lắng nghe để tính toán.
Cũng có ý kiến nói rằng, Bộ tôi như thế này, 50 - 60 năm truyền thống tự nhiên chẳng còn cái tên. Nhưng vấn đề tên một chức năng trong bộ máy nhà nước giải quyết như thế nào, chứ không phải bây giờ cứ Bộ là cộng thêm vào, phải đầy đủ tên như thế. Chức năng nhà nước gồm những việc gì và phân công cho ai làm thì phải làm sao cho đúng, phải gọn gàng và đúng chức năng. Chúng ta cũng đã cải cách rất nhiều, như Bộ Công Thương ghép lại từ 8 Bộ; hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ghép từ 6 Bộ. Chúng ta phải mạnh dạn nhìn nhận và làm sao cho thật hiệu lực, hiệu quả. Mục tiêu là để quản lý tốt hơn và phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Hệ thống luật pháp phải thống nhất, không thể tùy tiện được. Không thể để chỗ này, tỉnh này hoạt động theo quy định này, lĩnh vực này theo quy định kia. Hệ thống luật pháp phải thống nhất và kiên trì với mục tiêu như vậy, phải xử lý những việc đó một cách toàn diện và thống nhất, hiệu quả, phải phát huy năng lực, bám sát thực tế. Mục tiêu chúng ta phải thực hiện, đó là phải xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu năng, hiệu lực. Nhu cầu cao nhất là để đất nước phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân. Đó là mục tiêu trước mắt nhất. Bám sát vào những mục tiêu đó để huy động sức mạnh của nhân dân và phục vụ nhân dân, nâng cao đời sống.
* Tít bài và tít xen do Báo Đại biểu Nhân dân đặt