Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới
Sáng 20/5, tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi tiếp ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO. Nguồn: TTXVN.
Tại buổi tiếp, cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác của UNESCO dành cho Việt Nam gần 50 năm qua, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định 72 danh hiệu UNESCO ở tất cả các tỉnh thành của Việt Nam, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, luôn được coi trọng. Những danh hiệu và di sản không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và sinh kế người dân mà còn đóng góp cho văn minh nhân loại.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng vươn tới kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng. Trong đó văn hóa được xem là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời là nguồn lực, động lực phát triển bền vững đất nước.
Nhắc lại việc Việt Nam đang triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công của Việt Nam cho các quốc gia, đồng thời đóng góp tích cực, trách nhiệm cho sứ mệnh và công việc chung của UNESCO.
Mặt khác, Tổng Bí thư đề nghị UNESCO, Trung tâm Di sản thế giới, đặc biệt là cá nhân ông Lazare, tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, bảo tồn và phát huy các di sản thế giới tại Việt Nam.
Trong đó, Tổng Bí thư đề nghị tiếp tục ủng hộ, tư vấn để hồ sơ phục dựng điện Kính Thiên và không gian chính điện Kính Thiên trong di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long được UNESCO thông qua sớm nhất có thể. Việc trả lại trục Hoàng Đạo hàng ngàn năm và dựng lại điện Kính Thiên - nơi nhân dân cả nước có thể thực hiện các nghi lễ truyền thống, tái hiện lịch sử của dân tộc, khơi dậy sức mạnh hội tụ hàng nghìn năm và gắn kết cộng đồng trong kỷ nguyên mới của dân tộc - là việc hệ trọng của đất nước Việt Nam.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư cũng đề nghị Trung tâm Di sản thế giới hỗ trợ xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích Cổ Loa là di sản thế giới.
Đồng thời đề nghị ủng hộ ghi danh di sản thế giới đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại kỳ họp 47 của Ủy ban Di sản thế giới ở Paris vào tháng 7/2025. Đây là vùng đất tổ của Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, thể hiện tư tưởng lớn về sự đoàn kết dân tộc, hòa hợp giữa các tín ngưỡng, tôn giáo, đề cao giá trị của bao dung, yêu chuộng hòa bình trong tâm trí con người, còn nguyên giá trị đến nay.
Tổng Bí thư khẳng định quần thể có tầm quan trọng đặc biệt về giá trị tâm linh, văn hóa và lịch sử đối với người dân Việt Nam và thế giới.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới cam kết đồng hành, hỗ trợ chuyên môn cho Việt Nam trong bảo tồn các di sản thế giới. Nguồn: TTXVN.
Về phần mình, ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng, tin cậy, tích cực, đóng góp hiệu quả, thực chất cho hợp tác UNESCO; là hình mẫu hợp tác giữa một quốc gia thành viên với tổ chức này; là điển hình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ông cũng cho rằng Việt Nam có nhiều sáng kiến, mô hình hợp tác trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới cần được chia sẻ rộng rãi với các quốc gia thành viên khác.
Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới đánh giá cao bề dày truyền thống lịch sử, chiều sâu văn hóa hàng nghìn năm của Việt Nam, chia sẻ tầm nhìn và định hướng chiến lược mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu, nhất là trong phát huy vai trò của văn hóa và di sản cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đồng thời cảm ơn và khẳng định ủng hộ các ý kiến của Tổng Bí thư, khẳng định sẽ đồng hành, ủng hộ và tư vấn chuyên môn của UNESCO cho Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản thế giới.
Trên cương vị Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, ông cam kết sẽ nỗ lực hết sức để cùng Việt Nam quản lý, bảo tồn và phát huy 8 khu di sản thế giới của Việt Nam, đặc biệt là việc phục dựng Điện Kính Thiên và không gian chính Điện Kính Thiên của di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long; ghi danh di sản thế giới mới trong thời gian tới như Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc; Thành Cổ Loa…
8 khu di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận
1. Vịnh Hạ Long: UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên vào năm 1994 và sau đó được công nhận thêm lần nữa vào năm 2000.
2. Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng: UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào tháng 7/2003 tại Hội nghị nghị lần thứ 27 tại Paris.
3. Hoàng thành Thăng Long: UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.
4. Thành nhà Hồ: UNESCO công nhận chính thức là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 27/6/2011.
5. Cố đô Huế: UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại tại cuộc họp lần thứ 17 của Ủy ban Di sản thế giới, Colombia từ ngày 6-12/11/1993.
6. Phố cổ Hội An: UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 4/12/1999.
7. Thánh địa Mỹ Sơn: UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 1/12/1999.
8. Khu danh thắng Tràng An: UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 6/2014.