Tổng Bí thư Tô Lâm: Tìm bước đi mới để vượt qua nguy cơ tụt hậu

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình lúc nào cũng rình rập nếu không tìm được con đường mới, bước đi mới.

Sáng 9-1, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi gặp mặt nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành tiêu biểu và đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ các tỉnh, thành phố phía Nam.

 Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi gặp mặt nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành tiêu biểu và đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ các tỉnh, thành phố phía Nam. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi gặp mặt nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành tiêu biểu và đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ các tỉnh, thành phố phía Nam. Ảnh: TTXVN

Kỳ họp Quốc hội tới sẽ bàn, sửa bốn luật

Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ về những thành tựu, dấu ấn của đất nước trong năm 2024, những định hướng chính trong năm 2025 để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo Tổng Bí thư, năm 2025 là năm rất quan trọng đối với đất nước. Trung ương Đảng đã thống nhất cao việc xác định nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc cải cách thể chế, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng là những trọng tâm hàng đầu.

Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu ở giai đoạn tới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Do vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

 Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ về những thành tựu, dấu ấn của đất nước trong năm 2024, những định hướng chính trong năm 2025 để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ về những thành tựu, dấu ấn của đất nước trong năm 2024, những định hướng chính trong năm 2025 để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: TTXVN

Theo Tổng Bí thư, thể chế còn nhiều lực cản, có nhiều quy định cần tháo gỡ. Thời gian qua, việc cải cách thể chế đã được thực hiện và cần phải tiếp tục trong thời gian tới. Riêng vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy, các cơ quan đã báo cáo có gần 5.000 văn bản pháp lý phải sửa, thay đổi, trong đó có gần 300 luật.

"Rất nặng nề, phức tạp khâu đó. Nếu không tập trung sửa được những cái này thì rất vướng, cơ quan Nhà nước vướng, địa phương vướng, doanh nghiệp vướng, người dân cũng vướng khi làm các thủ tục... Việc tinh gọn bộ máy là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Bộ máy phải tinh gọn mới cất cánh, bay cao, bay xa được. Nếu nặng nề quá sẽ rất khó khăn"- Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư cũng thông tin, kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ bàn để tháo gỡ các vấn đề này, Trong đó, có bốn luật cơ bản gồm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được sửa đổi. Sau đó, các nghị định cũng được ban hành để giải quyết vấn đề chồng chéo.

Vừa qua, Trung ương đã gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện tinh gọn bộ máy, với định hướng giảm từ 19 cơ quan đầu mối xuống còn 13 cơ quan thuộc thẩm quyền. Chính phủ đã thống nhất việc giảm năm bộ, bốn cơ quan trực thuộc; Quốc hội cũng giảm khoảng năm Ủy ban và nâng cấp một số cơ quan.

Việc tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế phải đi đôi với cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, không để xảy ra lạm quyền. Cũng theo Tổng Bí thư, hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ cũng phải cải cách mạnh mẽ, đi đôi với hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo công bằng, văn minh, loại bỏ bất cập hiện hành

Tìm con đường mới để vượt qua nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình

Chia sẻ thêm về phát triển kinh tế, Tổng Bí thư nói nước ta chỉ còn 20 năm nữa để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đây là thời điểm để khởi điểm cho những tính toán về định hướng chiến lược, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức để đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá.

"Nguy cơ tụt hậu đã được xác định rõ. Nếu không phát triển nhanh, bền vững, các nước khác sẽ tiếp tục phát triển mà không đợi chúng ta. Nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình lúc nào cũng rình rập, nếu chúng ta không tìm được con đường mới, bước đi mới" - Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư cũng chia sẻ về vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Cả nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực này như mạng lưới cao tốc được triển khai đồng bộ với trên 2.000km, giúp tăng cường kết nối vùng, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

"Đường đi tới đâu thì kinh tế - xã hội phát triển tới đó, đời sống nhân dân được nâng cao, hàng hóa lưu thông thuận lợi, giá đất tăng lên, nhà đầu tư sẽ đến. TP.HCM cũng có kế hoạch phát triển các đường vành đai, kết nối các tỉnh xung quanh. Khi dư địa phát triển trong một địa phương còn khó khăn thì vấn đề liên kết vùng, liên kết khu vực cần được tính toán"- Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở.

Tổng Bí thư cũng nói về việc phát triển giao thông đường sắt, đường thủy. Theo đó, Quốc hội đã đồng thuận cao với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đường sắt tốc độ cao là xu hướng phát triển của thế giới. Vì vậy, nếu đất nước phát triển mà không có đường sắt cao tốc sẽ rất khó khăn.

"Khi có tuyến đường sắt này, đi lại giữa Hà Nội - TP.HCM trung bình chỉ 6 giờ, thắng lợi lắm. Hàng hóa tối nay ở TP.HCM thì ngày mai có thể xuất khẩu, thuận tiện hơn đường bộ rất nhiều"- Tổng Bí thư nói.

Khi bàn về mục tiêu tăng trưởng 2 con số, Tổng Bí thư cũng đề cập tới việc đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng.

Theo đó, các nhà đầu tư lớn đã cảnh báo, nếu phát triển công nghiệp, công nghệ số, nguồn năng lượng hiện tại của nước ta không đủ. Trong khi tiềm năng về điện gió, điện mặt trời của nước ta còn rất lớn, nhưng cũng không thể đủ đáp ứng về lâu dài. Việc phát triển điện hạt nhân là điều cần tính toán đến.

Với các định hướng nêu trên, Tổng Bí thư khẳng định, hơn bao giờ hết, Nhà nước, nhân dân đặt nhiều niềm tin với đội ngũ trí thức, nhà khoa học.

Tổng Bí thư mong muốn, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học nỗ lực thực hiện cho được trách nhiệm, sứ mệnh của mình trong giai đoạn cách mạng mới, đóng góp cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước.

Đội ngũ trí thức đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ thế hệ sau tiến bộ, trở thành động lực mạnh mẽ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần định hình tương lai nhân loại, văn minh toàn cầu; là cầu nối để xây dựng mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế, trí thức người Việt ở nước ngoài, người nước ngoài.

Tổng Bí thư khẳng định Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm tới đội ngũ văn nghệ sĩ, đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi, không gian phát triển văn học nghệ thuật. Đội ngũ văn nghệ sĩ cũng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Từ đó, Tổng Bí thư mong muốn các văn nghệ sĩ đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa, bằng việc sáng tạo những tác phẩm mang tầm vóc thời đại, có giá trị lớn về tư tưởng, nghệ thuật, tôn vinh những giá trị chân, thiện, mỹ, phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Phòng, chống lãng phí, tiêu cực tiếp tục là điểm sáng

Chia sẻ về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong năm qua, Tổng Bí thư khẳng định việc này tiếp tục được đẩy mạnh, kế thừa và phát huy các thành tựu quan trọng của giai đoạn trước.

Đảng đã lãnh đạo việc củng cố tổ chức, đấu tranh tư tưởng, biểu hiện suy thoái, tiêu cực; bộ máy được tinh gọn theo hướng hiệu lực, hiệu quả, giảm chồng chéo, cải thiện năng lực quản lý. Đây chính là những cơ sở để nâng cao năng suất lao động, tối ưu nguồn lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tổng Bí thư khẳng định: "Việc phòng, chống lãng phí, tiêu cực tiếp tục là điểm sáng với sự quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, bài bản. Công tác này góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, làm trong sạch nội bộ, thúc đẩy ý thức trách nhiệm toàn hệ thống, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng".

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-bi-thu-to-lam-tim-buoc-di-moi-de-vuot-qua-nguy-co-tut-hau-post829287.html