Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng Thủ đô Hà Nội 'gương mẫu, đi đầu của cả nước'
Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng, kỳ vọng Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển ổn định, ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại
Ngày 27-11, Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của thành phố năm 2024 và kế hoạch năm 2025, giai đoạn 2025-2030.
Trình bày báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết Đảng bộ Hà Nội tiếp tục là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố, theo hướng đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Sau sắp xếp, Đảng bộ Hà Nội đã giảm 2 đảng ủy khối, 1 cơ quan tương đương sở; 3 đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố, 8 chi cục và 62 đầu mối thuộc chi cục thuộc sở, 41 đầu mối cấp phòng; giảm 174 đơn vị sự nghiệp cấp 2; tinh giản biên chế giảm 1.820 công chức; 12.890 biên chế sự nghiệp. Cùng với đó, thành phố đã tập trung rà soát, lập danh mục 829 dự án chậm triển khai; ra quyết định thu hồi 8 dự án lớn không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 258,9 ha.
Đặc biệt, trong năm 2024, thành phố đã hoàn thành xây dựng thể chế, chính sách tạo lập không gian phát triển mới với tầm nhìn dài hạn cho phát triển Thủ đô, đó là: Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thành phố đã tập trung quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, các nhiệm vụ đề ra cơ bản đã hoàn thành, trong đó dự kiến hoàn thành 20/24 chỉ tiêu, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế đều đạt kết quả khá, có nhiều triển vọng phát triển. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến đạt 492.309 tỉ đồng (đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với năm 2023). Từ 2021 đến tháng 9-2024, thu hút đầu tư xã hội đạt gần 2 triệu tỉ đồng; thu hút vốn FDI đạt hơn 7,4 tỉ USD với 1.270 dự án cấp mới; dự kiến năm 2024 thu hút hơn 2 tỉ USD.
Trong thời gian tới, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, thành phố tập trung quyết liệt xử lý các vấn đề về môi trường, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng các công trình khu vực hồ Tây; quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng; đầu tư xây dựng các cầu vượt sông Hồng; dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Láng - Hòa Lạc); nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; đầu tư công và giải phóng mặt bằng; phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao những kết quả thành phố Hà Nội đã đạt được, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, các nhiệm vụ đề ra cơ bản đã hoàn thành, dự kiến hoàn thành 20/24 chỉ tiêu, trong đó 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Theo Tổng Bí thư, Thủ đô ngày càng có nhiều khởi sắc, uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhân dân ngày càng được tăng cường. TP Hà Nội cũng đã triển khai rất nhanh và quyết liệt những chủ trương của Trung ương, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới.
Trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh thành phố tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tránh để tình trạng dự án chậm triển khai gây lãng phí lớn về đất đai và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần tập trung làm tốt việc cải tạo các chung cư cũ, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án lớn của Trung ương và thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tính toán kỹ khi lập quy hoạch, bảo đảm tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng nhà tái định cư, nhà ở xã hội vừa xây được một thời gian ngắn phải phá bỏ, gây lãng phí rất lớn về nguồn lực. Thành phố cần tiếp tục làm tốt hơn việc chăm lo sức khỏe phục vụ nhân dân để học sinh được học tập trong những trường học thông minh, hiện đại; người dân được chăm sóc y tế với chất lượng ngày càng cao.
Để phát triển những tiềm năng, lợi thế về du lịch, đặc biệt là phát huy những giá trị của Khu di tích hoàng thành Thăng Long, Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn thời gian tới, thành phố sẽ có hướng đi bài bản hơn, trên tinh thần Hà Nội chủ trì thực hiện với sự tham gia hỗ trợ tích cực của các ban, ngành Trung ương, sự ủng hộ hết mình của UNESCO.
Nhấn mạnh, việc phát triển khu vực hồ Tây của Thủ đô là hướng đi đúng đắn bởi khu vực này là điểm kết nối với Đông Anh, đồng thời thúc đẩy việc phát triển hai bên bờ sông Hồng, Tổng Bí thư lưu ý TP Hà Nội cần tiếp tục triển khai đồng thời các quy hoạch liên quan đến khu vực Hồ Tây để mở rộng tuyến đường và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ xung quanh Hồ Tây; đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cùng tập trung tháo gỡ sớm nhất mọi vướng mắc của Thủ đô trong các lĩnh vực: Quy hoạch, đất đai, môi trường… để Hà Nội phát huy cao nhất những tiềm năng vốn có, phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô.
Về chuyển đổi số, Tổng Bí thư yêu cầu thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc chuyển đổi số trong công tác Đảng, trong toàn hệ thống chính trị nhằm mục tiêu để chuyển đổi số thực sự là quá trình xác lập phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại "phương thức sản xuất số", là nguồn lực, động lực thúc đẩy sự phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng, kỳ vọng Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển ổn định, ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại; tiếp tục duy trì là thành phố "gương mẫu, đi đầu của cả nước".