Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam lãi gần 480 tỷ đồng trong quý I/2024
Trong quý I/2024, VIMC có lợi nhuận sau thuế đạt trên 479 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC - UpCOM: MVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024, trong đó ghi nhận doanh thu đạt 3.596 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ hoạt động khai thác cảng biển tăng 17%, doanh thu bán hàng tăng gấp 5 lần cùng kỳ. Trong khi đó, vận tải biển dù được xem là một trong 2 lĩnh vực chủ lực lại gần như đi ngang.
Trong khi đó, do giá vốn có mức tăng cao (30%) nên lợi nhuận gộp chỉ tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 726 tỷ đồng. Biên lợi nhuận vì vậy cũng giảm xuống còn 20%.
Trong kỳ, hoạt động tài chính của VIMC có khởi sắc. Nhờ lãi bán các khoản đầu tư và lãi chênh lệch tỉ giá mà doanh thu tài chính tăng đến 47% đạt 168 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính của doanh nghiệp lại giảm đến 21% chỉ còn trên 75 tỷ đồng.
Các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp có sự biến động không quá lớn. Tuy nhiên, khoản thu nhập khác của công ty này giảm đến 84%, chỉ còn 22 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí, VIMC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 576 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 479 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023 (396 tỷ đồng).
Năm 2024, VIMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 13.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.730 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 26% mục tiêu doanh thu và 21% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính tới 31/3/2024, tổng tài sản của VIMC đạt 27.818 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, gần như chia đều cho tài sản ngắn hạn (11.964 tỷ đồng) và dài hạn (15.854 tỷ đồng). Doanh nghiệp này có trên 3.398 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền. Hàng tồn kho đạt trên 517 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 4.343 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cũng dành trên 2.700 tỷ đồng cho chi phí xây dựng cơ bản, trong đó một số dự án trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại khu bến cảng Lạch Huyện); dự án đầu tư xây dựng Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước….
Nợ phải trả của VIMC tại thời điểm cuối kỳ giảm nhẹ so đầu năm, còn 12.099 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của VIMC đạt 15.718 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
VIMC đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của VIMC là các cổ đông đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của VIMC thông qua phát hành cổ phiếu, giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại VIMC xuống 65% vốn điều lệ.
Theo lý giải của doanh nghiệp này, mục tiêu phát hành cổ phiếu tăng vốn lần này có xét ưu tiên cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho các đối tác chuyên về vận tải container để hợp tác phát triển loại hình vận tải hàng hóa đặc thù này.