Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP: Trăn trở cũ - mới

Trong cuộc họp sơ kết nửa đầu năm 2024, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP đã phấn khởi công bố tình hình sản xuất - tiêu thụ các mặt hàng thép của Tổng công ty đã có nhiều khởi sắc.

Tiêu thụ tăng 32%, điểm sáng thuộc về thép dẹt

Quý II Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP tăng trưởng tích cực với tiêu thụ thép thành phẩm tăng 40% so với quý trước và tăng 55% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng tiêu thụ thép thành phẩm 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thép cán dài tăng 13%, thép cán nguội và tôn mạ tăng trưởng gần gấp đôi.

Những tên tuổi được nhắc đến nhiều là Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, Công ty Vina Kyoei, Natsteelvina ở lĩnh vực thép xây dựng; là Tôn Phương Nam tiêu thụ tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước ở lĩnh vực tôn mạ; là Thép Tấm lá Phú Mỹ và Tấm lá Thống Nhất có tổng sản lượng tăng cao với cùng kỳ năm trước trong lĩnh vực thép cán nguội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Mặc dù vậy, Tổng giám đốc Nghiêm Xuân Đa cũng thừa nhận: Tăng trưởng của tiêu thụ thép cán dài của Tổng công ty vẫn thấp hơn mức tăng trường chung của ngành Thép (14,7%), cùng với đó là một số đơn vị có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Đặc biệt, vẫn còn một số đơn vị lỗ mấy năm liên tục.

Chấp nhận vượt qua vòng an toàn

“Tình hình đẩy mạnh các dự án có tiến bộ, tuy nhiên con số tỷ lệ giải ngân trong nhiều năm nay vẫn thấp. Điều này cho thấy công tác chuẩn bị, công tác lập dự án chưa tốt, công tác thẩm dịnh chưa tốt… Cần phải có đánh giá sâu hơn nữa làm sao đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân và tốc độ đầu tư” - Tổng giám đốc Đa nhìn nhận.

Liên quan đến hai đại dự án còn đang tồn đọng của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP là Công ty Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) và Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO giai đoạn 2), có thể nói, mặc dù trong thời gian qua, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty đã tập trung đến 80% thời gian và sức lực để xử lý, tuy nhiên, tình hình hai dự án này vẫn rất khó khăn.

“Chúng ta sẽ phải trình lên Bộ Chính trị nhưng VTM thực sự rất khó khăn. Hiện nay phía đối tác nước ngoài đã thực hiện sửa chữa lò cao để phục vụ cho nhà máy hoạt động trở lại, nhưng để khởi động dự án lại thì không dễ. Nếu VTM tiếp tục lâm vào tình trạng bế tắc thì thật là một mối nguy hại vô cùng lớn" - Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP chia sẻ.

Dự án TISCO giai đoạn 2 cũng vậy, cũng đã có những kết quả tích cực trong đàm phán giữa các bên. "Tuy nhiên, để giải quyết hai dự án tồn đọng này, chúng ta phải chấp nhận những giải pháp sâu hơn nữa, thậm chí phải vượt qua sự an toàn giữ gìn bao lâu nay” - ông Nghiêm Xuân Đa khẳng định.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh

Giữ vững thị trường dù có phải hy sinh một phần lợi nhuận

Mặc dù thị phần của Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn phải có cái nhìn sâu hơn, kỹ hơn về đà giảm sút của khối thép V và thép dài trước sư phục hồi chung của thị trường.

Những năm gần đây, khi thép dẹt có sự tăng trưởng ở trong nước và xuất khẩu thì thép /V/ và thép dài lại không được như vậy. Ngay cả những thị trường được xem là truyền thống cũng đang bị đe dọa. Chính vì vậy, cần phải nêu cao quyết tâm giữ vững thị trường dù có thể phải hy sinh một chút lợi nhuận. Bởi vì ai cũng biết, để mất thị trường thì không có cách gì có thể lấy lại được!

Trước tình hình đó, nhiệm vụ được xem là chiến lược nhất để tích cực nâng cao việc cạnh tranh chính là tăng cường sự liên kết giữa các đơn vị trong hệ thống. Đơn cử một ví dụ: Nếu như tổng tiêu thụ thép dài là 1,2 triệu tấn thì tiêu thụ nội khối chỉ chiếm một phần nhỏ. Rõ ràng, sự phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống còn chưa tốt.

Về vấn đề này, Tổng giám đốc Đa yêu cầu các đơn vị phải gạt bỏ hết những hạn chế cá nhân để chung tay giữ vững thị trường. “Bên cạnh đó, cần phải có những đánh giá chi tiết, giải pháp cụ thể, đặc biệt xem xét, rà soát hệ thống phân phối, tăng cường tích cực phối hợp trong hệ thống một cách cụ thể, ráo riết"!

Cùng một quan điểm, ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhận định:

Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP cần phải mạnh mẽ hơn trong công tác phối hợp. Nếu tách riêng các đơn vị ra thì rất là nhỏ, ví dụ Thăng Long rất nhỏ, Thép Nhà Bè cũng nhỏ… Chúng ta chỉ mạnh lên khi là một hệ thống đoàn kết, thống nhất, một lòng.

Ngoài ra, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP phải đổi mới thực chất hơn nữa. Sản xuất thép cũng gần giống như những các đơn vị dệt may vì đầu ra của sản phẩm quá phổ thông, chúng ta không được quyết định giá. Chính vì vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh đến chủ yếu từ việc hợp lý hóa sản xuất, nhỏ nhất là từ việc mua nguyên vật liệu, từ tiết giảm chi phí… thì ở đây, ngay trong hệ thống của chúng ta đã có sự chênh lệch, có đơn vị thực hiện mua nguyên vật liệu rất tốt, có đơn vị thực hiện chưa tốt. Đặc biệt, cùng một mặt hàng, vẫn có sự chênh lệch khó giải thích về mặt giá cả.

Do đó, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP cần phải thiết lập hệ thống giám sát hoặc hệ thống điều hành thế nào đó để nổi bật vai trò của Tổng công ty, đồng thời, để kiểm soát tốt đối với những hoạt động bên dưới.

“Tôi cho rằng, nếu không kiểm soát tốt kết quả sản xuất kinh doanh thì chúng ta sẽ khó khởi sắc một cách bền vững. Và những nỗ lực đã có trong nửa đầu năm 2024 sẽ rất dễ bị xóa nhòa”, ông Lê Thanh Tuấn nhấn mạnh.

Thủy Minh

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tong-cong-ty-thep-viet-nam-ctcp--tran-tro-cu-moi-123575.htm