Tổng công ty VEAM: Giữ vững đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2025

Nửa đầu năm 2025, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với nhiều chỉ tiêu sản xuất tài chính vượt cùng kỳ và bám sát kế hoạch năm, khẳng định năng lực điều hành linh hoạt và hiệu quả trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn thách thức.

Tăng trưởng toàn diện

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn thách thức, ban điều hành Tổng công ty VEAM đã triển khai đồng bộ các giải pháp các mặt sản xuất, tiêu thụ, tài chính và quản trị. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên, với tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ lãnh đạo và người lao động, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chính của Công ty mẹ và các Công ty con, Công ty liên kết (không bao gồm các Công ty liên doanh) có nhiều tín hiệu tích cực. Giá trị SXCN ước đạt 1.772,0 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ 2024 và đạt 50% kế hoạch năm; Doanh thu ước đạt 2.237,8 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và đạt 49% kế hoạch năm. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.411,2 tỷ đồng, tăng 14% cùng kỳ năm trước và đạt 94% kế hoạch năm, hiệu quả tổng hợp đạt cao chủ yếu nhờ vào đóng góp của Công ty mẹ.

Ông Ngô Khải Hoàn - Chủ tịch HĐQT VEAM phát biểu tại Hội nghị

Ông Ngô Khải Hoàn - Chủ tịch HĐQT VEAM phát biểu tại Hội nghị

Trong đó, Công ty mẹ VEAM tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt với kết quả nổi bật: lợi nhuận trước thuế đạt 6.259 tỷ đồng (bằng 98% kế hoạch năm), doanh thu tài chính đạt 6.319 tỷ đồng (đạt 94% kế hoạch năm).

Nhìn chung các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng mạnh trở lại chủ yếu nhờ vào kết quả thực hiện của Nhà máy Ô tô VEAM (VM). Tuy nhiên do Công ty mẹ tạm dừng kinh doanh vật tư và tập trung tiêu thụ xe tải Changan và máy kéo ISEKI tồn kho khiến doanh thu thương mại đạt khá thấp.

Doanh thu tài chính vượt 14% so với cùng kỳ và đạt 94% kế hoạch năm, trong đó đã ghi nhận khoản lãi được chia từ HVN. Doanh thu đầu tư tài chính ngắn hạn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2024 do lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế ước hoàn thành 98% mục tiêu được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Kết quả này đã phản ánh hiệu quả từ việc tối ưu hóa nguồn vốn và danh mục đầu tư tài chính của Công ty mẹ.

Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng 11%

Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh nhờ sự cải thiện sản lượng sản xuất và tiêu thụ tại VM. VM ghi nhận bước phục hồi mạnh về sản xuất tiêu thụ khi sản lượng xe sản xuất mới (EURO 5) đạt 328 chiếc (tăng 265%) và tiêu thụ 354 chiếc (tăng 174%). Tuy nhiên, do chi phí cố định lớn và hàng tồn kho chưa được xử lý dứt điểm, kết quả tài chính vẫn chưa cải thiện đáng kể. Mặc dù vậy, tín hiệu tích cực đến từ việc VM đang triển khai phát triển dòng xe mới Van V2 và dự kiến đưa ra thị trường vào tháng 9/2025. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác nhập khẩu các dòng xe Van và xe tải điện để khai thác hiệu quả dây chuyền sản xuất.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Văn phòng Công ty mẹ VEAM ghi nhận doanh thu tài chính đạt 6.313 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch năm và tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng mạnh, dù doanh thu thương mại, dịch vụ thấp (đạt 0,6 tỷ đồng) do chủ trương dừng kinh doanh vật tư để tập trung xử lý hàng tồn kho.

Chi nhánh VF, mặc dù sản lượng vật đúc tiêu thụ giảm nhẹ, lợi nhuận vẫn tăng 23% so với cùng kỳ nhờ tiết giảm chi phí, cải tiến quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm mẫu cho nhiều khách hàng mới. Xuất khẩu ước đạt 1,2 triệu USD, giữ vai trò ổn định trong cơ cấu doanh thu. Trong thời gian tới, VF tiếp tục đặt trọng tâm vào đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.

Nhóm công ty con như DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tiếp tục là trụ cột doanh thu sản xuất công nghiệp, đóng góp khoảng 81% doanh thu SXCN của VEAM. Tuy nhiên, lợi nhuận chung của các công ty con chỉ đạt 39% kế hoạch năm, chủ yếu do DISOCO chưa ghi nhận khoản thu từ đầu tư tài chính dài hạn. Một số đơn vị như TAMAC, CK Trần Hưng Đạo, Viện Công nghệ đã cải thiện đáng kể kết quả hoạt động, chuyển từ lỗ sang lãi. Ở nhóm công ty liên kết, hiệu quả nhìn chung còn thấp do nhiều đơn vị gặp khó khăn về vốn hoặc tạm dừng hoạt động. Trong đó, VEAM Tây Hồ là điểm sáng với hoạt động ổn định trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

Thị trường ô tô nửa đầu năm 2025 tiếp tục xu hướng phục hồi, các công ty liên doanh có vốn góp của VEAM vẫn duy trì được vị thế cạnh tranh và tiếp tục là điểm sáng trong cơ cấu tài chính của Tổng công ty. Doanh số bán hàng của ba liên doanh Toyota, Honda và Ford trong 6 tháng đầu năm tăng lần lượt 23%, 11% và 19% so với cùng kỳ, giúp thị phần cộng gộp tăng lên 48,5% toàn VAMA. Đặc biệt, Honda Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thị trường xe máy với hơn 1,13 triệu xe tiêu thụ, tăng 18% so với cùng kỳ, mang lại nguồn thu ổn định và khẳng định vị thế liên doanh chủ lực của Tổng công ty VEAM.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm của VEAM ghi nhận đà phục hồi rõ nét ở một số sản phẩm chủ lực như động cơ, máy kéo, hộp số, phụ tùng linh kiện,... Sản lượng tiêu thụ động cơ đạt 7.290 chiếc (tăng 10%), máy kéo đạt 322 chiếc (tăng 21%), hộp số đạt 7.159 hộp (tăng 17%), phụ tùng máy động lực đạt 196 tỷ đồng (tăng 42%). Một số sản phẩm tăng trưởng bứt phá như máy cắt lúa (tăng 278%) và bơm nước (tăng gấp 3 lần), phản ánh khả năng nắm bắt tốt nhu cầu mùa vụ tại thị trường nội địa. Dù vậy, một số sản phẩm như máy phát điện, máy thổi khí, máy xay xát vẫn tiêu thụ chậm, cho thấy nhu cầu chưa phục hồi đồng đều hoặc còn vướng trong kênh phân phối.

Công nghiệp phụ trợ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu SXCN của Tổng công ty VEAM, với doanh thu đạt hơn 1.143,7 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) và đạt 50% kế hoạch năm. Ba nhóm phụ tùng chủ lực gồm phụ tùng máy động lực, phụ tùng xe máy và phụ tùng ô tô đều đạt gần 50% kế hoạch năm; trong đó, phụ tùng ô tô lần đầu ghi nhận doanh thu trở lại sau thời gian dài chững lại, mở ra kỳ vọng tăng trưởng mới.

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với kim ngạch đạt 21,9 triệu USD, tăng 11% và hoàn thành 54% kế hoạch năm. Trong đó, động cơ xuất khẩu đạt 1.938 chiếc (gần gấp đôi cùng kỳ), các sản phẩm như máy xay xát và ru lô cao su vẫn duy trì ổn định. Dù phải đối mặt với chi phí logistics tăng, cạnh tranh gay gắt và bất ổn địa chính trị, VEAM vẫn giữ được thị phần xuất khẩu tại các khu chế xuất và thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Các đơn vị như FOMECO, DISOCO, SVEAM, FUTU1 và VF tiếp tục là lực lượng chủ lực, đóng góp hơn 90% tổng kim ngạch. Trong đó, FOMECO là đơn vị dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, đạt 9,6 triệu USD, tỉ trọng xuất khẩu xấp xỉ 32%.

Ông Lê Văn Khanh, Giám đốc Công ty FOMECO phát biểu tại Hội nghị

Ông Lê Văn Khanh, Giám đốc Công ty FOMECO phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Lê Văn Khanh, Giám đốc Công ty FOMECO, kết quả trên có được là nhờ Công ty đã nỗ lực phát triển và mở rộng thị trường, đặc biệt tập trung vào khách hàng FDI, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, đồng thời thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng.

Bên cạnh duy trì hệ thống sản xuất và phân phối hiện tại, VEAM cùng các đơn vị thành viên đang tăng cường phối hợp nội khối nhằm khai thác tối đa năng lực sản xuất và kết nối đơn hàng. DISOCO là đơn vị có hoạt động hợp tác nhiều nhất; SVEAM và VF ghi nhận giá trị hợp tác cao. Ngoài việc củng cố các mối liên kết hiện hữu, VEAM còn tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược mới, mở rộng chủng loại sản phẩm và khai thác thị trường trong nước quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và cơ khí xuất khẩu.

Quyết liệt tháo gỡ điểm nghẽn, tăng tốc về đích

Sau nửa chặng đường đầu năm ghi nhận kết quả tích cực trên nhiều mặt, Tổng công ty VEAM bước vào giai đoạn 6 tháng cuối năm 2025 với quyết tâm cao, mục tiêu rõ ràng và lộ trình cụ thể.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục khởi sắc, đây là thời điểm bản lề để VEAM tháo gỡ những điểm nghẽn còn tồn tại, thúc đẩy hiệu quả hoạt động và hoàn thành toàn diện kế hoạch năm.

Tuy nhiên, Tổng công ty VEAM cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức nội tại, đặc biệt là tồn kho lớn tại Nhà máy Ô tô VEAM, công nợ kéo dài, áp lực về dòng tiền và yêu cầu cấp thiết trong đổi mới công nghệ, mô hình quản trị. Một số công ty con vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh thấp, đặt ra bài toán tái cơ cấu vốn và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Trong 6 tháng cuối năm, Công ty mẹ VEAM đặt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chủ yếu: giá trị sản xuất công nghiệp cần đạt thêm 227,6 tỷ đồng; doanh thu bán hàng còn lại 248,7 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế cần đạt thêm lần lượt 137 tỷ và 139 tỷ đồng. Toàn Tổng công ty VEAM phấn đấu đạt thêm 1.779,7 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp và 2.327,4 tỷ đồng doanh thu, trong đó thương mại dịch vụ cần được đẩy mạnh để hoàn thành gần 60% kế hoạch còn lại.

Nhìn chung các mục tiêu chung của Tổng công ty VEAM còn lại đều ở mức phù hợp với kế hoạch năm. Các đơn vị có quy mô doanh thu/lợi nhuận lớn như VF, DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO, CK An Giang cần tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt. Các đơn vị có doanh thu/lợi nhuận ở mức trung bình hoặc khá như TAMAC, VETRANCO, CKCX1, MATEXIM, VEAM Tây Hồ tập trung duy trì hoạt động ổn định, bám sát các mục tiêu kế hoạch. Các đơn vị vẫn còn lỗ bao gồm VM, CK THĐ, NAKYCO cần phấn đấu đặt mục tiêu giảm lỗ ở mức tối đa.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VEAM cam kết tập trung tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp điều hành trọng tâm đẩy mạnh hoạt, động sản xuất kinh doanh, tối ưu hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực quản trị điều hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VEAM cam kết tập trung tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp điều hành trọng tâm đẩy mạnh hoạt, động sản xuất kinh doanh, tối ưu hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực quản trị điều hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025

Để đạt được mục tiêu đó, Tổng công ty VEAM triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trọng tâm là tập trung xử lý hàng tồn kho, đặc biệt là xe ô tô tiêu chuẩn khí thải Euro 2, đồng thời phát triển các dòng xe mới phù hợp với nhu cầu thị trường như Van V2, xe tải điện. Các nhà máy thành viên đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất, đầu tư công nghệ và mở rộng hợp tác gia công theo đơn hàng. Cùng với đó, VEAM thúc đẩy hoạt động R&D, triển khai chương trình đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57-NQ/TW, xây dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ gắn với các trường đại học và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia hướng tới các sản phẩm cơ khí đường sắt Việt Nam có hàm lượng công nghệ cao.

Về thị trường, VEAM tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, cập nhật danh mục sản phẩm, quảng bá thương hiệu trên nền tảng số và nâng cấp hệ thống nhận diện. Hoạt động tài chính kế toán tập trung hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ, giám sát đặc biệt các đơn vị yếu kém và đẩy mạnh thu hồi công nợ.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác sản xuất, xác định rõ nhu cầu sản phẩm đúc trên thị trường, hướng tới xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ nhà máy cung cấp phôi, đơn vị gia công cơ khí bán thành phẩm đến khách hàng cuối, nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị.

Với nền tảng tài chính ổn định, hệ thống quản trị đang từng bước hoàn thiện và chiến lược điều hành nhất quán, VEAM được kỳ vọng sẽ hoàn thành vượt kế hoạch năm 2025. Đây không chỉ là bước đệm quan trọng để củng cố vai trò doanh nghiệp nhà nước đầu ngành trong lĩnh vực cơ khí động lực ô tô, mà còn là cơ sở vững chắc để VEAM bứt phá mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

“Chúng tôi xin cam kết tập trung tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp điều hành trọng tâm đẩy mạnh hoạt, động sản xuất kinh doanh, tối ưu hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực quản trị điều hành để hoàn thành tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 cũng như bám sát kế hoạch 2025 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định bền vững của VEAM trong thời gian tới", Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VEAM nhấn mạnh.

Hưng Nguyên

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tong-cong-ty-veam--giu-vung-da-tang-truong-trong-6-thang-dau-nam-2025-143290.htm