Tổng công ty Viglacera (VGC): Lãi ròng quý 3 tăng gần 64% nhờ cho thuê khu công nghiệp
Lãi ròng trong quý 3/2023 của Tổng công ty Viglacera (mã cổ phiếu VGC) đã tăng gần 64% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ hoạt động cho thuê khu công nghiệp tăng trưởng tốt. Bộ Xây dựng cũng đang xúc tiến thoái nốt phần vốn tại Tổng công ty Viglacera.
Cho thuê khu công nghiệp giúp lãi ròng tăng gần 64%
Vừa qua, Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã cổ phiếu VGC - sàn HoSE) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần đạt 3.471 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán gần như đi ngang, giúp lợi nhuận gộp tăng hơn 30%, đạt hơn 1.069 tỷ đồng trong quý 3/2023. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này cũng được cải thiện mạnh từ 25,5% lên 30,8%.
Về các khoản chi phí, chi phí tài chính tăng 35% nhưng chi phí bán hàng giảm 15% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, Tổng công ty Viglacera báo lãi ròng hơn 433 tỷ đồng, tăng gần 64% so với cùng kỳ năm 2022. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ doanh thu mảng cho thuê cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đã tăng trưởng mạnh.
Mô hình kinh doanh của Tổng công ty Viglacera hiện gồm hai mảng chính: vật liệu xây dựng và bất động sản. Trong năm ngoái, mảng vật liệu xây dựng chiếm gần 66% tổng doanh thu và hơn 51% tổng lợi nhuận gộp của doanh nghiệp; trong khi đóng góp của mảng bất động sản vào tổng doanh thu và lợi nhuận gộp lần lượt là 33% và 48%. Xét về biên lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận gộp của mảng bất động sản đạt 43%, gần gấp đôi so với mảng vật liệu xây dựng (23%) trong năm 2022.
Mảng bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp, đang được xem là mảng kinh doanh mũi nhọn của Tổng công ty Viglacera trong thời gian tới đây nhờ lợi thế sở hữu quỹ đất công nghiệp lớn hàng đầu cả nước trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam đang tăng trưởng tích cực.
Hiện Tổng công ty Viglacera trực tiếp sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp (11 khu công nghiệp ở miền Bắc và 01 khu công nghiệp ở miền Trung) với tổng diện tích cho thuê khoảng 2.500 ha. Trong đó, 65% diện tích đã được cho thuê tính đến cuối quý 2/2023.
Nhờ vị trí địa lý chiến lược và việc phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, các khu công nghiệp này đã thu hút hơn 200 tập đoàn, doanh nghiệp FDI, bao gồm cả các thương hiệu lớn như Samsung, Canon, Amkor, Orion và Sumitomo.
Xúc tiến việc thoái vốn nhà nước khỏi Tổng công ty Viglacera
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Tổng công ty Viglacera ghi nhận tổng doanh thu thuần 10.173 tỷ đồng và lãi ròng hơn 1.210 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm, Tổng công ty Viglacera đã hoàn thành 131% mục tiêu doanh thu và 129% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm nay.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng giá trị tài sản của Tổng công ty Viglacera đạt 23.605 tỷ đồng, tăng gần 3% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, hàng tồn kho tăng gần 13%, đạt 4.780 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng tài sản. Đồng thời, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 39%, đạt 1.642 tỷ đồng, chiếm 7% tổng tài sản, chủ yếu do phải thu khách hàng tăng mạnh.
Về phía nguồn vốn, tổng nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn - dài hạn của Tổng công ty Viglacera đạt 4.538 tỷ đồng, tăng 25% so với thời điểm đầu năm, chiếm 19% tổng nguồn vốn.
Xem thêm: "Tập đoàn GELEX (GEX): Hưởng lợi lớn từ tăng trưởng tiêu thụ điện và làn sóng FDI mới vào Việt Nam" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trong một diễn biến có liên quan, lãnh đạo Tổng công ty Viglacera vừa phê duyệt gói thầu “Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và định giá cổ phần Tổng công ty Viglacera cho mục đích thoái vốn Nhà nước”. Đây là động thái mới nhất của Tổng công ty Viglacera trong việc thực hiện phương án chuyển nhượng phần vốn nhà nước theo chủ trương của Bộ Xây dựng.
Xét về cơ cấu cổ đông, hai cổ đông lớn nhất hiện nay của Tổng công ty Viglacera là Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex – công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã cổ phiếu GEX - sàn HoSE) và Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50,21% và 38,58%. Sau đợt thoái vốn hồi năm 2017, Bộ Xây dựng hiện có chủ trương thoái khoảng 38% vốn cổ phần tại Tổng công ty Viglacera trong thời gian từ nay đến năm 2025.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 31/10, cổ phiếu VGC có giá tham chiếu tại mức 45.500 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu VGC đã tăng gần 41%.