Tổng cục Thuế đang rà soát quy định 'đánh đố' doanh nghiệp vay vốn
Tổng cục Thuế đang bàn giải pháp sửa đổi quy định khống chế lãi vay 30% để góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất năm 2022 - 2023 cao.
Tổng cục Thuế cho biết đã phối hợp với 6 cục thuế địa phương tổ chức hội nghị rà soát dự thảo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định số 132).
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết, sau khi lấy ý kiến bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đang tổng hợp ý kiến cơ quan, đơn vị.
“Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132 hướng đến tiệm cận với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế”, ông Minh cho biết.
Đầu tháng 1/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng gửi kiến nghị tới cơ quan chức năng về vướng mắc của Nghị định 132.
VCCI cho biết, doanh nghiệp phản ánh, cơ quan thuế coi giao dịch giữa doanh nghiệp với ngân hàng là giao dịch liên kết, từ đó loại trừ chi phí lãi vay vượt mức trần cho phép. Trong khi đó, năm 2022 và 2023, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường tăng mạnh khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp vượt mức giới hạn cho phép.
Trong hoàn cảnh đó, quy định ở Nghị định 132 khiến các doanh nghiệp chịu khó khăn kép, phải trả lãi nhiều hơn cho ngân hàng, nhưng không được khấu trừ thuế cho phần chi phí này. Quy định này tác động mạnh đến doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn trong lĩnh vực như: hạ tầng, sản xuất, chế biến, chế tạo…
“Lãi suất của khoản vay tương ứng với mức bình quân của thị trường vốn. Cả doanh nghiệp và ngân hàng không có biểu hiện cố tình nâng chi phí lãi vay để giảm nghĩa vụ thuế phải nộp. Vì vậy, quy định khống chế lãi vay ở mức 30% khiến doanh nghiệp gặp khó”, VCCI cho biết.
Bộ Tài chính cũng có văn bản lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 132 theo hướng loại trừ quan hệ liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình sửa đổi Nghị định 123 có thể sẽ kéo dài. Trong khi đó, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp đang bị thanh tra, kiểm tra thuế cho các năm tài chính 2022 và 2023.
“Nếu không có biện pháp xử lý ngay có thể gây tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự ổn định, nhất quán của môi trường đầu tư Việt Nam”, VCCI phản ánh.
Vì vậy, VCCI đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 132 theo đúng trình tự thủ tục, cơ quan chức năng có biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp của báo cáo tài chính năm 2022 và năm 2023.
Trước đó, doanh nghiệp phản ánh, sau 3 năm thực thi, Nghị định 132 đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một trong những nút thắt đang khiến nhiều doanh nghiệp “kêu trời” là quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA ở 30% (điểm a, khoản 3, Điều 16).
Doanh nghiệp đánh giá, 30% là mức khống chế ở các nước phát triển. Việc áp dụng “thước đo” không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển với hầu hết các doanh nghiệp đều có vốn mỏng, đang trong giai đoạn khởi nghiệp và cần phải sử dụng nhiều vốn vay - đang gây nhiều hệ lụy.