Tổng cục Thuế đề xuất sửa nhiều quy định để ngăn gian lận hoàn thuế

Năm 2024, ngành Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật để hạn chế, ngăn chặn được tình trạng thành lập doanh nghiệp 'ma' để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử nhằm gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước.

Gần 140.000 tỷ đồng hoàn thuế

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán Thuế, Tổng cục Thuế cho biết, năm 2023, công tác quản lý hoàn thuế có thể coi là điểm “nóng” và luôn được Tập thể Lãnh đạo Tổng cục quan tâm, chỉ đạo sát sao ngay từ đầu năm.

Trong bối cảnh kinh tế xã hội chưa thuận lợi, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, thì công tác hoàn thuế VAT kịp thời là yêu cầu, quyền lợi cấp thiết của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh chống gian lận về hóa đơn, hoàn thuế cũng ngày càng khó khăn hơn do các đối tượng luôn thay đổi phương thức, địa bàn hoạt động, hành vi ngày càng tinh vi, phức tạp với thái độ ngày càng liều lĩnh hơn trước nhằm trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế của ngân sách nhà nước.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Do đó, theo bà Hải, nhiệm vụ của ngành thuế là vừa phải đảm bảo hoàn thuế nhanh chóng, kịp thời cho doanh nghiệp nhưng đồng thời phải đảm bảo việc hoàn thuế là đúng quy định pháp luật, bảo vệ tiền thuế của ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn và phát hiện các hành vi gian lận hoàn thuế.

Bà Hải chia sẻ, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính thời gian qua, cùng với phản ánh mạnh mẽ của truyền thông và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt, qua báo cáo giám sát chuyên đề hoàn thuế VAT của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã công tâm, thẳng thắn, khách quan ghi nhận kết quả đạt được trong những năm qua của ngành thuế trong quản lý hoàn thuế VAT, chỉ ra những hạn hế, bất cập cần khắc phục nhằm giải quyết tình trạng chậm giải quyết hoàn thuế; đồng thời, từng bước thực hiện phòng chống gian lận hóa đơn, hoàn thuế hiệu quả.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác giải quyết hoàn thuế, trong đó, trọng tâm là ban hành quy trình hoàn thuế, quy trình kiểm tra thuế, các quyết định về bộ chỉ số và tiêu chí để tự động trong đánh giá rủi ro đối với hóa đơn, phân loại hồ sơ hoàn thuế, chú trọng thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế thay vì kiểm tra trước hoàn; ưu tiên nguồn lực của bộ phận thanh tra kiểm tra cho việc giải quyết các hồ sơ thuộc diện kiếm tra trước hoàn; tăng cường trách nhiệm của đồng chí Cục trưởng, phân công cụ thể đến các đồng chí Phó cục trưởng để thường xuyên đôn đốc, xử lý hồ sơ hoàn thuế.

Chính nhờ những giải pháp trên, nên theo Vụ trưởng Lê Thị Duyên Hải, kết quả hoàn thuế VAT đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, bình quân 6 tháng cuối năm (tính đến hết ngày 20/12/2023), cơ quan thuế giải quyết hoàn 1.582 quyết định hoàn thuế/tháng tương ứng số tiền thuế VAT hoàn là 12.891 tỷ đồng/tháng, tăng 11% về số quyết định và 27% về số tiền so với bình quân 6 tháng đầu năm.

Tính đến hết ngày 20/12/2023, cơ quan thuế đã ban hành 18.008 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền thuế hoàn là 138.461 tỷ đồng, bằng 87% ước thực hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ (160.000 tỷ đồng), bằng 97% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngăn chặn thành lập doanh nghiệp ma, trốn thuế

Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán Thuế cho biết, năm 2024, công tác quản lý hoàn thuế hướng tới hai mục tiêu quan trọng là hoàn thuế nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật, không để hồ sơ quá hạn do yếu tố chủ quan từ cơ quan thuế, công chức thuế; ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi gian lận về hóa đơn, hoàn thuế, quản lý chặt chẽ tiền của ngân sách nhà nước.

Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế VAT, quản lý thuế, hóa đơn điện tử cùng các pháp luật có liên quan để hạn chế, ngăn chặn được tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử nhằm gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước.

Xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý thuế cần quy định rõ ràng hơn trong việc phân định trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế với người nộp thuế trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT khi các cơ quan chức năng phát hiện các hành vi gian lận trong hoàn thuế VAT.

Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin trong giải quyết hoàn thuế, từng bước tự động hóa tối đa, số hóa trong tiếp nhận, giải quyết, chi hoàn thuế VAT để đảm bảo công tác giải quyết hoàn thuế được minh bạch, công khai, kịp thời, đúng quy định pháp luật và phòng chống, ngăn chặn tối đa gian lận, kiểm soát chặt chẽ chi hoàn thuế VAT.

Cơ quan thuế cũng thanh tra chủ động, rà soát chuỗi các các doanh nghiệp có mua bán hàng hóa với doanh nghiệp hoàn thuế trước khi nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế, từ đó sớm xác định rủi ro, phân loại chính xác các trường hợp hoàn thuế trước kiểm tra sau, kiểm tra trước hoàn thuế sau, qua đó đẩy nhanh thời gian hoàn thuế và tập trung nguồn lực kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận; và coi đây là một chủ trương quan trọng trong công tác quản lý hoàn thuế VAT năm tới.

Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cộng đồng Hiệp hội, doanh nghiệp, NNT để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý hoàn thuế VAT, từ đó kịp thời có các điều chỉnh phù hợp trong các chỉ đạo điều hành, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn quản lý từng thời kỳ.

Trong năm 2024 Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn yêu cầu ngành thuế tiếp tục nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra thuế, tăng cường quản lý hoàn thuế, nợ thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước trên cơ sở áp dụng đầy đủ các quy định, nguyên tắc quản lý rủi ro về thuế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức thuế.

Cần xác định các lĩnh vực/doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế trong từng nhóm công tác quản lý thuế cụ thể để đề xuất các biện pháp nghiệp vụ cụ thể và ưu tiên tập trung nguồn lực kiểm soát. Quá trình thực hiện cần đẩy mạnh đánh giá, tổng kết để áp dụng chung trong toàn hệ thống thuế cũng như phổ biến, tuyên truyền đến người nộp thuế để chủ động khắc phục, tránh vi phạm tương tự hoặc đề xuất xây dựng, sửa đổi quy định, quy trình phù hợp nhằm ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi từ sự thông thoáng của quy định pháp luật gây thất thu ngân sách nhà nước.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tong-cuc-thue-de-xuat-sua-nhieu-quy-dinh-de-ngan-gian-lan-hoan-thue-d44943.html