Tổng doanh thu của doanh nghiệp Nhà nước tăng 4% so với kế hoạch
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Nhà nước là 689.534 tỷ đồng và dự kiến cả năm sẽ đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra.
Ngày 14/9, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Trong đó, khối công ty mẹ tập đoàn-tổng công ty (DNNN quy mô lớn) nắm giữ 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên toàn quốc.
Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp.
DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Khu vực DNNN đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội.
Đối với lĩnh vực xăng dầu, các DNNN và doanh nghiệp do DNNN sở hữu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ.
Về lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, chế biến và khai thác dầu khí, các DNNN cung cấp 100% thị phần khí khô và 70% thị phần LNG toàn quốc, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, DNNN cũng đóng góp vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng của nền kinh tế, như: Viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển, tài chính ngân hàng; cung cấp nguyên vật liệu sản xuất đầu vào quan trọng cho nền kinh tế (xi măng, hóa chất cơ bản, các nguyên, vật liệu dầu, khí, than, xơ sợi, cao su, dăm gỗ; sản xuất phân bón, đạm...),...
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt 3.821.459 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021.
Trong nửa đầu năm 2023, tổng doanh thu của DNNN là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.
Ước tính, trong năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế 117.388 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước cả năm 2023 ước đạt 128.821 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.
Lũy kế đến tháng 8/2023, một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đạt 350.525 tỷ đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (đạt 250.000 tỷ đồng), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (đạt 169.000 tỷ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (đạt 112.100 tỷ đồng)…