Tổng Giám đốc FAO thăm cánh đồng lúa Tam Cốc
Ngày 7/2, Đoàn lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) do ông Khuất Đông Ngọc, Tổng Giám đốc đã có chuyến tham quan, khảo sát thực tế tại cánh đồng lúa Tam Cốc (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư).
![Đoàn tham quan cánh đồng lúa Tam Cốc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_442_51420388/1a3f689651d8b886e1c9.jpg)
Đoàn tham quan cánh đồng lúa Tam Cốc.
Cùng đi có đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.
Cánh đồng lúa Tam Cốc nằm trọn trong Khu Du lịch Tam Cốc - Bích Động thuộc Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Đây được mệnh danh là một trong những đồng lúa đẹp nhất Việt Nam, có diện tích khoảng 20 ha, trải dài theo hai bên dòng sông Ngô Đồng và được bao quanh bởi các vách núi, hang động. Trên cơ sở lợi thế này, nhiều năm nay, người dân địa phương đã phát triển đa dạng các dịch vụ du lịch, tham quan cánh đồng vào mùa lúa chín, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2022, Ninh Hải thí điểm sản xuất lúa chét (lúa tái sinh) với mục đích vừa thu hoạch được 2 vụ/năm vừa kéo dài thời gian phục vụ khách tham quan, thúc đẩy du lịch phát triển.
Ngồi thuyền đi tham quan cánh đồng lúa Tam Cốc, chứng kiến cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tươi đẹp; người dân canh tác lúa theo phương thức truyền thống, Tổng Giám đốc FAO và Đoàn công tác bày tỏ ấn tượng, thích thú, đánh giá cao cách làm nông nghiệp kết hợp với du lịch vô cùng sáng tạo, bền vững này của địa phương. Khẳng định đây sẽ là một hình mẫu, bài học rất đáng quý để nhiều quốc gia khác trên thế giới học tập, nhằm phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc và Đoàn công tác đã tới thăm, động viên bà con nông dân tham gia lớp tập huấn sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất lúa chét tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn.
![Đoàn đến thăm mô hình cấy lúa tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_442_51420388/cf9942317b7f9221cb6e.jpg)
Đoàn đến thăm mô hình cấy lúa tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khan hiếm nước, thiếu lao động thì sản xuất lúa chét được xem là một trong những phương thức canh tác có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết giảm chi phí, nước tưới, công lao động, tăng sản lượng lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính. Tại Việt Nam, cũng như Ninh Bình, trong những năm gần đây, người nông dân đã phát triển hình thức để lúa chét này. Riêng tại xã Gia Phong, đánh giá thực tế cho thấy, so với cấy lúa Mùa, sản xuất lúa chét cho thời gian thu hoạch ngắn (khoảng 45-50 ngày), năng suất xấp xỉ 2/3 năng suất lúa Mùa, nhưng chi phí chỉ bằng khoảng 20%; rất phù hợp với những địa phương thuộc vùng chiêm trũng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang do thiếu nhân lực.
Tuy nhiên, hạn chế phổ biến hiện nay trong sản xuất lúa chét là thiếu bộ giống phù hợp, có khả năng tái sinh cao, thiếu quy trình canh tác cho lúa chét, khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hóa, thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân...
Khắc phục điều này, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức FAO, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai dự án nghiên cứu hỗ trợ hoàn thiện, cải tiến quy trình canh tác lúa chét tại Ninh Bình (thực hiện tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn và cánh đồng Tam Cốc, xã Ninh Hải). Trong đó có cơ giới hóa khâu gieo cấy, kiểm soát sâu bệnh hại bằng thiết bị bay không người lái, nâng cao năng suất lúa chét, tăng lợi nhuận cho nông dân...
![Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng học viên Lớp tập huấn ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa chét tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_442_51420388/6b29ef81d6cf3f9166de.jpg)
Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng học viên Lớp tập huấn ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa chét tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tong-giam-doc-fao-tham-canh-dong-lua-tam-coc-507612.htm