Tổng giám đốc Sacombank: Nút thắt cuối cùng là xử lý nợ xấu và cổ phiếu của ông Trầm Bê

Tính đến 31/12/2024, dư nợ còn lại của ông Trầm Bê và những người có liên quan là 12.037 tỷ đồng, tổng lãi phải trả theo hợp đồng là 57.605 tỷ đồng…

Năm 2025, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15%.

Năm 2025, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15%.

Sáng 25/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2024 với sự tham gia của hơn 13.000 cổ đông.

Báo cáo với cổ đông về kết quả kinh doanh năm 2024, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết: Năm 2024, Sacombank hoàn thành vượt kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu với tổng tài sản đạt 748.095 tỷ đồng, tăng 10,9% so với đầu năm, đạt 103% kế hoạch; Tổng nguồn vốn huy động đạt 674.794 tỷ đồng, tăng 16,7%, đạt 106% kế hoạch; Tổng dư nợ tín dụng đạt 539.315 tỷ đồng, tăng 11,7%, đạt 101% KH, chiếm 3,4% thị phần toàn ngành;

Lợi nhuận trước thuế đạt 12.720 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm trước, đạt 120% kế hoạch; Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,08%, giảm 0,02% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tổng thể cũng giảm 0,89%.

Theo bà Diễm, công tác xử lý nợ xấu của Ngân hàng Sacombank cũng đạt được những kết quả tốt khi nhà băng này thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó thuộc đề án là 76.695 tỷ đồng. Chính vì vậy, các khoản tồn đọng thuộc đề án đã giảm 80,5% về quy mô và 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản.

Nữ Tổng giám đốc nhà băng này cho biết: Đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bản đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi đầy đủ trong năm 2025.

Đối với khoản nợ mà các cổ đông đặc biệt quan tâm là các khoản nợ đảm bảo bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, bà Diễm cho biết: Sacombank đã trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước. Nhà băng này cũng đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý 2/2022.

“Việc xét duyệt để Sacombank xử lý lô cổ phiếu cũng như ghi nhận hoàn thành tái cơ cấu sẽ cần có thời gian”, bà Diễm chia sẻ với các cổ đông và nhấn mạnh: Đến thời điểm hiện tại, Sacombank đã xử lý 13/14 nội dung theo đề án tái cơ cấu, chỉ còn nút thắt cuối cùng là việc xử lý lô cổ phiếu, nợ xấu của của ông Trầm Bê và những người liên quan.

Trả lời cổ đông về chi tiết khoản nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan, nữ Tổng giám đốc cho biết tính đến ngày 31/12/2016, tổng nợ gốc của ông Trầm Bê và các bên liên quan là 35.400 tỷ đồng, lãi dự thu là 12.919 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2017 đến cuối năm 2024, Sacombank đã thu hồi được 25.612 tỷ đồng, trong đó có 23.363 tỷ đồng nợ gốc và 2.349 tỷ đồng lãi. Dư nợ còn lại là 12.037 tỷ đồng, bao gồm 10.538 tỷ đồng nợ đã bán cho VAMC và 1.454 tỷ đồng là khoản repo và các khoản phải thu.

Tổng lãi phải trả theo hợp đồng đến hết năm 2024 là 57.605 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ của ông Trầm Bê và người có liên quan được đảm bảo bằng cổ phiếu STB đang được VAMC nhận ủy quyền là 6.110 tỷ đồng và lãi phải trả theo hợp đồng đến 31/12/2024 là 13.450 tỷ đồng. Tổng số lượng cổ phiếu đang đảm bảo cho các khoản vay, các khoản phải thu là 604,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 32,5%.

 Hơn 1.300 cổ đông tham dự Đại hội cổ đông của Sacombank

Hơn 1.300 cổ đông tham dự Đại hội cổ đông của Sacombank

Ngoài câu chuyện nóng về nợ xấu, các cổ đông của Sacombank còn dành sự quan tâm lớn về việc chia cổ tức và việc mua công ty chứng khoán. Theo tờ trình được đại hội thông qua, Sacombank lên kế hoạch góp vốn hoặc mua cổ phần của công ty chứng khoán với giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu trên 50%, đồng nghĩa sau giao dịch công ty chứng khoán này là công ty con của Sacombank.

“Chúng tôi khẳng định sẽ không có nhu cầu mua lại Công ty Cổ phần Chứng khoán SBS và sẽ lựa chọn những công ty chứng khoán tốt, có những dịch vụ phù hợp để phát triển các lĩnh vực đầu tư”, bà Diễm trả lời câu hỏi của cổ đông về việc có mua Công ty Chứng khoán SBS hay không?

Còn với câu hỏi, nếu không mua Chứng khoán SBS thì có mua Công ty Cổ phần Chứng khoán BOSS hay không, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank không trả lời có hay không mà cho biết sẽ lựa chọn công ty chứng khoán phù hợp, sau đó xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và các cổ đông.

Về việc chia cổ tức, các cổ đông cũng đã thông qua tờ trình về chủ trương tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn của Sacombank.

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Hội đồng quản trị sẽ xây dựng phương án chi tiết, bao gồm tỷ lệ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và tỷ lệ phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên. Phương án chi tiết sẽ được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện các thủ tục, hồ sơ xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Với lợi nhuận trước thuế năm của Sacombank đạt 12.720 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, nhà băng này còn hơn 7.013 tỷ đồng. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, Sacombank có hơn 25.352 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất lũy kế.

Năm 2025, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10%; Tổng nguồn vốn huy động đạt 736.300 tỷ đồng, tăng 9%; Tổng dư nợ tín dụng đạt 614.400 tỷ đồng, tăng 14%; Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 2%; Lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15%.

Tôn Quyên

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/tong-giam-doc-sacombank-nut-that-cuoi-cung-la-xu-ly-no-xau-va-co-phieu-cua-ong-tram-be-post559560.html