TP.HCM sẽ khảo sát tâm tư, nguyện vọng của toàn bộ cán bộ cấp huyện và cấp xã
TP.HCM sẽ khảo sát tâm tư, nguyện vọng của toàn bộ cán bộ đang làm việc tại cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính thuộc UBND TP.HCM; UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và xã, phường, thị trấn.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch khảo sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn TP.
Việc này nhằm thu thập các thông tin, đánh giá quan điểm, nhận thức, tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp (gọi tắt là sắp xếp bộ máy).

TP.HCM sẽ khảo sát tâm tư, nguyện vọng của cán bộ về việc sắp xếp bộ máy. Ảnh: THUẬN VĂN
Kết quả khảo sát là cơ sở để UBND TP.HCM cân nhắc, điều chỉnh, hoàn thiện các giải pháp, phương án sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ không tiếp tục công tác.
Đối tượng khảo sát là toàn bộ cán bộ đang làm việc tại các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP.HCM; UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và xã, phường, thị trấn.
Bảng hỏi được thiết kế theo hai nội dung tác động lớn: Tác động đến tổ chức và tác động đến con người.
Bảng hỏi thu thập góc nhìn, thái độ của đội ngũ công chức, viên chức đối với mục tiêu của chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Ghi nhận các thông tin, tín hiệu về tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ công chức, viên chức để cân nhắc, điều chỉnh trong quá trình triển khai các các nội dung phục vụ cho mục tiêu xây dựng bộ máy “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.
Quan điểm, thái độ của các nhóm bị ảnh hưởng bởi chủ trương tinh giản, trong đó đặc biệt chú ý nhóm công chức, viên chức không giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đây là nhóm chiếm số lượng đông nhất, trong đó nhiều người có thể chưa đủ sẵn sàng trước những thay đổi lớn trong công việc và cuộc sống.
Đồng thời, đánh giá, cảm nhận của các nhóm bị ảnh hưởng, các chính sách hay hình thức hỗ trợ nào phù hợp nhất với họ; nguyện vọng của nhóm đối tượng này về việc nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc; chuyển công tác; tiếp tục ở lại làm việc,…
Bảng hỏi cũng ghi nhận góc nhìn, thái độ, cảm nhận của đội ngũ công chức, viên chức về những hiệu ứng tích cực được kỳ vọng sau khi thực hiện chủ trương tinh giản. Gồm: Cải thiện hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị; đội ngũ công chức, viên chức có năng lực, gắn bó với cơ quan, đơn vị; thúc đẩy chuyển đổi số để nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phụng sự người dân và kiến tạo phát triển.
Cấu trúc bảng hỏi dự kiến gồm bốn phần: Đánh giá chung về chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền TP.HCM; đánh giá về thực trạng tổ chức bộ máy; cơ chế, chính sách cho đội ngũ công chức khi thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và thông tin người trả lời.
Bảng hỏi dự kiến có có 41 câu hỏi, lồng ghép 6 câu hỏi thiết kế riêng cho nhóm “ở lại”, 5 câu cho nhóm “rời đi”, 2 câu cho viên chức và các lãnh đạo, quản lý.
Thang đo Likert sử dụng chủ yếu trong bảng hỏi, ngoài ra một số câu được thiết kế theo dạng lựa chọn thứ tự ưu tiên.
Việc khảo sát được thực hiện theo phương pháp sử dụng công cụ Google Form (GF) với mã QR gửi đến cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi, đối tượng chịu tác động của việc triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy. Các cơ quan, đơn vị triển khai đến toàn bộ các cán bộ, công chức, viên chức hiện đang làm việc.
Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 5, sẽ gửi link khảo sát và mã QR cho các cơ quan, đơn vị. Đến tháng 6 sẽ có báo cáo kết quả khảo sát.
Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng và hoàn thiện bảng hỏi.
Đồng thời, xử lý dữ liệu thu về, tổng hợp và báo cáo kết quả khảo sát và khuyến nghị chính sách đối với TP.HCM.