Tổng Giám đốc UNESCO ấn tượng với Tràng An và những phụ nữ chèo đò
UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững. Nữ Tổng Giám đốc UNESCO ủng hộ những người phụ nữ chủ đò truyền thống phát huy cách thức tham quan sinh thái.
Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với chủ đề "Di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững" do Bộ VHTT&DL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình đồng tổ chức ngày (6/9) tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cùng lãnh đạo bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế và hàng nghìn người dân tham dự.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, cách đây 50 năm, ngày 16/11/1972, tại Kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Quá trình tham gia Công ước, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản Thế giới nói riêng, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa biểu tượng, Việt Nam đã gia nhập UNESCO năm 1976, một năm trước khi Việt Nam trở thành một thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc.
Bà Audrey Azoulay bày tỏ sự ấn tượng, Việt Nam đã có tới 8 di sản đã được ghi danh là Di sản Thế giới, từ quần thể di tích Cố đô Huế được ghi danh đầu tiên năm 1993 tới di sản Tràng An được ghi danh năm 2014 và giữa khoảng thời gian đó là các Khu di sản Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Thành Nhà Hồ và Hoàng thành Thăng Long Hà Nội.
Tổng giám đốc UNESCO nhấn mạnh, mỗi di sản, theo cách riêng của mình, góp phần thể hiện bề dày lịch sử của Việt Nam. Các di sản này cũng thể hiện sự giàu có và đa dạng của văn hóa Việt.
Việt Nam – một quốc gia từng đạt tốc độ phát triển kinh tế vào nhóm cao nhất thế giới trong vòng 20 năm qua, nhưng Việt Nam đồng thời cũng là một quốc gia thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo rằng không hy sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển. Bà Audrey Azoulay cho biết đây cũng là điều thôi thúc bà tới Việt Nam.
Được đi thăm Khu Di sản Tràng An, bà Audrey Azoulay nhận xét khu di sản này đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên.
Đây chính là lý do vì sao UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.
UNESCO ủng hộ những người phụ nữ chủ đò truyền thống trong việc tiếp tục phát huy cách thức tham quan di sản thân thiện này.
Một thử thách lớn khác mà theo lãnh đạo UNESCO cần phải vượt qua chính là biến đổi khí hậu. Một thách thức mà Việt Nam đã quyết định đương đầu bằng cách áp dụng một chiến lược mới vào tháng 7. Theo nghiên cứu mới nhất của IUCN, cứ 5 khu di sản thế giới thì đã có 1 khu mà rủi ro về biến đổi khí hậu là một thực tế đối.
“Tất cả chúng ta phải hành động. Và phải hành động nhanh. Chúng ta phải tăng cường nỗ lực nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu chung là bảo vệ 30% hành tinh của chúng ta vào năm 2030”, bà Audrey Azoulay kêu gọi.
Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh, bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ, đó là điều kiện tiên quyết, đó là sự kết nối giữa quá khứ và tương lai. Cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ở Việt Nam và như mô hình mẫu mực của Tràng An.
Còn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc cho biết, trong 35 năm tham gia Công ước 1972, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, với tư cách là cơ quan điều phối hợp tác với UNESCO tại Việt Nam, đã thường xuyên và là kênh kết nối nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao nhất trong việc thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực, chuyên môn bảo tồn di sản; thúc đẩy hợp tác quốc tế và giáo dục di sản.
Việt Nam với quan điểm "lấy con người làm trung tâm", việc bảo vệ di sản cũng chính vì lợi ích của con người, nhất là cộng đồng bản địa; luôn đồng hành với các khu di sản trong công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay sáng nay cũng đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí về bảo tồn di sản và những thách thức các nước đang phải ứng phó. Theo bà, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới tất cả mọi người, ảnh hưởng đến cả văn hóa và đó là điều mà tất cả chúng ta cần nên quan tâm.
"Trong mùa hè vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ lũ lụt, cháy rừng và những thiên tai khác xảy ra ở những nước mà họ không phải là người gây ra. Nếu nhìn qua một lượt những Di sản Thế giới được UNESCO công nhận trên khắp thế giới, có những di sản trong số này bị ảnh hưởng rất nhiều. Và cũng chính các di sản thiên nhiên thế giới ấy có thể góp phần đem tới giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta mở rộng các vùng di sản ra, đặc biệt là các di sản thiên nhiên và khu dự trữ sinh quyển, khu vực bảo vệ sẽ lớn hơn", nữ Tổng Giám đốc UNESCO phân tích.
Khi khu vực di sản được mở rộng, không chỉ di sản đó mà thiên nhiên cũng được bảo vệ mà còn góp phần tạo ra sinh kế cho người dân địa phương. Dẫn chứng về Tràng An của Ninh Binh, bà Audrey Azoulay cho rằng, tất cả những di sản mà thế hệ ngày nay đang thừa hưởng từ những người đi trước thì phải có trách nhiệm bảo vệ chứ đừng hủy hoại.
Nhấn mạnh về vai trò của giáo dục và đây một trong những lĩnh vực hợp tác mạnh giữa UNESCO và Việt Nam, nữ Tổng Giám đốc UNESCO hy vọng trong chương trình giáo dục dành cho trẻ em sẽ có các nội dung về giáo dục bảo vệ môi trường, bảo vệ khí hậu, bảo vệ văn hóa để các em sau này trở thành những người tốt hơn chúng ta hiện tại.
"Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói với tôi nhiều về biến đổi khí hậu và họ rất có ý thức về những thách thức đối với việc bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản. Việt Nam cũng đã rất nỗ lực, làm rất nhiều để làm sao dung hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển du lịch với bảo vệ di sản. Một lần nữa, Tràng An chính là một ví dụ tốt cho nỗ lực đó" bà bày tỏ.