Tổng hợp COVID-19 ngày 19/3: Giảm 12.559 ca mắc mới; nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi
Ngày 19/3, cả nước ghi nhận 150.618 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và có thêm 77 ca tử vong do COVID-19. So với ngày trước đó, số ca nhiễm mới đã giảm 12.559 ca. Tuy nhiên, số trẻ em mắc mới COVID-19 vẫn tăng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 3-5 tuổi, đồng thời yêu cầu Bộ Y tế sớm mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Giảm 12.559 ca so với ngày trước
Trong số 150.618 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 12 ca nhập cảnh và 150.606 ca ghi nhận trong nước. So với ngày trước, số ca mắc mới đã giảm 12.559 ca.
Hà Nội vẫn đứng đầu ca nhiễm mới (21.071), tiếp đến Nghệ An (11.099), Phú Thọ (6.681), Hải Dương (4.938), Lạng Sơn (4.713), Tuyên Quang (4.598), Lào Cai (4.587), Đắk Lắk (4.466)…
Ngày 19/3/2022, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 190.000 ca, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 48.861 ca và Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 35.250 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bắc Ninh (giảm 2.876 ca), Hà Nội (giảm 2.507 ca), Phú Thọ (giảm 1.361 ca); số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Nghệ An (tăng 1.131 ca), Bắc Giang (tăng 772 ca), Hải Dương (tăng 531 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 168.014 ca/ngày.
Ngoài ra, trong ngày số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 129.434 ca; tổng số ca được điều trị khỏi là 3.991.393 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.691 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 18/3 đến 17 giờ 30 ngày 19/3 ghi nhận 77 ca tử vong tại: Quảng Nam (14 ca trong 3 ngày), Bình Thuận (4), Cao Bằng (4), Đắk Lắk (4), Bạc Liêu (3), Hà Giang (3), Khánh Hòa (3), Kiên Giang (3), Ninh Bình (3), Quảng Ninh (3), TP Hồ Chí Minh (3), Bắc Giang (2), Bắc Kạn (2), Cần Thơ (2), Đà Nẵng (2), Hà Nam (2), Lâm Đồng (2), Lạng Sơn (2), Nam Định (2 ca trong 2 ngày), Phú Yên (2), Thanh Hóa (2), Vĩnh Long (2), An Giang (1), Bình Định (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Đồng Nai (1), Hà Tĩnh (1), Tây Ninh (1), Thái Bình (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 75 ca.
Trong ngày 18/3, cả nước có 160.525 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 201.566.460 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12- 17 tuổi là 17.056.957 liều gồm: Mũi 1 là 8.751.910 liều; mũi 2 là 8.305.047 liều.
TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ngưng nhận bệnh nhân
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Bệnh viện Hồi sức COVID-19, đóng tại Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) ngưng nhận bệnh nhân từ ngày 18/3.
Đây là bệnh viện hồi sức đầu tiên và có số giường bệnh lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh với quy mô 1.000 giường. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đi vào hoạt động từ tháng 7/2021 ở thời điểm dịch bùng phát trên diện rộng tại thành phố. Bệnh viện chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch có quy mô lớn nhất cả nước. Giai đoạn cao điểm, bệnh viện đã điều trị cho trên 700 bệnh nhân.
Sau khi ngừng nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, ngành y tế Thành phố vẫn tiếp tục duy trì hoạt động các Bệnh viện dã chiến số 13, 14, và 16. Các Bệnh viện dã chiến số 14, 16, Bệnh viện đa tầng Tân Bình, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục duy trì giường hồi sức để điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng. Sở Y tế đề nghị tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa phải thành lập khoa hoặc đơn vị điều trị COVID-19 để tiếp nhận các trường hợp có bệnh lý cấp tính kèm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Đồng thời, Sở Y tế phân công theo từng mức độ bệnh của bệnh nhân COVID-19 mà sẽ được đưa đến bệnh viện thích hợp điều trị. Cụ thể, đối với người mắc COVID-19 mức độ trung bình hoặc nhẹ, ưu tiên điều trị tại các bệnh viện dã chiến quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Đối với người mắc COVID-19 có các bệnh lý đi kèm và các bệnh lý đi kèm là nguyên nhân chính gây diễn tiến nặng, liên hệ chuyển các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối. Đối với người mắc COVID-19 nặng do COVID-19, liên hệ 6 trung tâm hồi sức COVID-19 theo địa bàn được phân công. Đối với người F0 có bệnh thận mạn cần chạy thận, đơn vị đang thực hiện chạy thận cho người bệnh có trách nhiệm bố trí khu vực cách ly để tiếp tục chạy thận cho người F0.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về tình hình dịch COVID-19 và công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh ngày 19/3, hiện số F0 điều trị tại 3 tầng đã vượt thời điểm tháng 12/2021.Tuy nhiên số ca thở máy xâm lấn và tử vong vẫn ở mức thấp. Hiện, TP Hồ Chí Minh đang điều trị 63 ca thở máy xâm lấn, trong đó có 60/63 ca có bệnh nền (chiếm 95%). Trong đó, 42/63 ca không báo y tế địa phương khi biết mình nhiễm bệnh và không điều trị bằng thuốc kháng virus Molnupiravir trước khi nhập viện (chiếm 66,6%).
Tại trường học, số ca nghi nhiễm trong tuần gần nhất (từ ngày 8/3 - 14/3) là gần 44.120 ca (cả học sinh và giáo viên), so với tuần trước đã tăng gần 6.670 ca. Trong đó, số ca nghi nhiễm tăng đều ở các khối, tỷ lệ ca nghi nhiễm ở khối trung học phổ thông là 8,90%; khối trung học cơ sở là 7,47%; khối tiểu học là 6,64% và mầm non là 1,59%/tổng số ca mắc chung.
Phú Thọ: Đảm bảo an toàn tiêm vaccine phòng dịch COVID -19 cho trẻ em, học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi
Để chuẩn bị hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch COVID -19 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản về việc phối hợp tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhằm bảo đảm an toàn cho các em trước, trong và sau khi tiêm.
Theo đó, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành, thị phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai công tác phối hợp tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; quán triệt, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, Sở Sở Giáo dục và đào tạo và UBND cấp huyện về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đến toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
UBND các huyện, thành, thị truyền thông, vận động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh ủng hộ công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng” và đi tiêm chủng khi đến lượt; phối hợp với cơ quan y tế truyền thông kế hoạch chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại địa phương, hiệu quả của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch COVID-19, tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích, quy mô của chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và từ 5 đến 11 tuổi.
Theo ông Lê Quang Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo để “Khi có vaccine, ngành y tế sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng, chắc chắn, bảo đảm vấn đề an toàn…
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã phối hợp xây dựng và đưa vào vận hành “Ứng dụng quản lý F0” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Địa chỉ ứng dụng trên Internet là: f0.phutho.vn
Đây là ứng dụng hỗ trợ việc khai báo thông tin của F0 gửi đến cơ quan y tế. Thông qua ứng dụng, người bệnh chủ động khai báo, cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày trong quá trình điều trị; cơ quan y tế tiếp nhận thông tin hướng dẫn, tư vấn, điều trị với F0.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện hợp đồng cung cấp vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất
Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Ngày 18/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1697/VPCP-KGVX gửi Bộ Y tế về việc thực hiện hợp đồng cung cấp vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất với Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC).
Xét kiến nghị của Bộ Y tế tại văn bản số 1292/BYT-KH-TC ngày 16/3/2022 về việc thực hiện hợp đồng cung cấp vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất với Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
Sự việc diễn ra từ tháng 12/2021, đến nay Bộ Y tế mới báo cáo là quá chậm. Yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương xử lý các vấn đề nêu tại văn bản số 1292/BYT-KH-TC ngày 16/3/2022 của Bộ Y tế theo đúng quy định; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lãng phí vaccine.
Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại các văn bản số 1674/VPCP-KGVX ngày 17/3/2022, số 1369/VPCP-KGVX ngày 3/3/2022 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 3-5 tuổi
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 1722/VPCP-KGVX ngày 19/3/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiêm, mua và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước.
Xét báo cáo của Bộ Y tế về tình hình và kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc nghiên cứu tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 cho người lớn, mũi 3 cho trẻ em và tiêm cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi; có kế hoạch mua và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm khoa học, an toàn và hiệu quả.