Tổng hợp COVID-19 ngày 25/5: Giãn cách xã hội tại nhiều địa phương; thêm 447 ca mắc mới
Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 25/5 được dư luận đặc biệt quan tâm gồm: Giãn cách xã hội ở mức cao hơn tại nhiều địa phương; cả nước ghi nhận thêm 447 ca mắc mới; Bộ Y tế tiếp nhận tiền và vaccine hỗ trợ phòng chống COVID-19; Bắc Ninh lập 115 chốt kiểm soát dịch và tạm đình chỉ công tác Chủ tịch xã để xuất hiện chùm 17 ca mắc COVID-19; 9 tỉnh đã có bản đồ số thông tin dịch tễ COVID-19.
Từ 0 giờ ngày 25/5 giãn cách xã hội ở mức cao hơn tại 10 phường của TP Hải Dương
Tình hình dịch bệnh tại TP Hải Dương đang rất phức tạp, nguy cơ lây lan trên diện rộng. Do vậy, thành phố phải thực hiện các biện pháp mạnh để tập trung dập dịch, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, siết chặt kỷ luật, phân công rõ người, rõ việc.
Từ 0 giờ ngày 25/5, có 10 phường gồm: Trần Phú, Hải Tân, Tân Bình, Thanh Bình, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Ngọc Châu, Quang Trung, Lê Thanh Nghị, Phạm Ngũ Lão sẽ áp dụng giãn cách xã hội ở mức độ cao hơn so với hiện nay. UBND thành phố Hải Dương quyết định các biện pháp cụ thể sát với diễn biến, mức độ nguy cơ dịch bệnh phù hợp với từng địa bàn phường, khu dân cư, tổ dân phố... Trước đó, ngày 21/5, TP Hải Dương đã áp dụng việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu lực lượng công an chủ trì, phối hợp với cơ quan y tế thần tốc truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh COVID-19. Sở Y tế Hải Dương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân 6 phường: Trần Phú, Hải Tân, Thanh Bình, Tân Bình, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi từ ngày 25/5, chậm nhất trong ba ngày phải hoàn thành. Các phường: Phạm Ngũ Lão, Ngọc Châu, Lê Thanh Nghị, Quang Trung khẩn trương lập danh sách người dân trên địa bàn và xây dựng kế hoạch tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm. TP Hải Dương cần khẩn trương xây dựng kịch bản lấy mẫu xét nghiệm theo phương pháp lấy mẫu gộp. Đại diện Sở Y tế Hải Dương lưu ý: Việc lấy mẫu đồng loạt trong thời gian ngắn là rất phức tạp, đòi hỏi thành phố cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể theo từng khu dân cư để tránh xảy ra bất cập, không đảm bảo yêu cầu trong Thông điệp 5K khi lấy mẫu.
Từ 12 giờ ngày 25/5, Hà Nội tạm dừng hoạt động nhà hàng, dịch vụ ăn uống, cắt tóc, gội đầu
Hà Nội dừng hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng; dừng các hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, cắt tóc, gội đầu... từ 12 giờ ngày 25/5.
Cụ thể, từ 12 giờ ngày 25/5/2021, Hà Nội tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở Du lịch, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu và các cá nhân liên quan nếu để xảy ra lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây nhiễm dịch bệnh từ các khu cách ly tập trung ra cộng đồng; các vi phạm về quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế và thành phố.
Ngày 25/5, Việt Nam ghi nhận thêm 447 ca mắc mới COVID-19
Tính đến hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 4.362 ca ghi nhận trong nước và 1.489 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 2.792 ca.
Số ca mắc mới tại Bắc Giang trong ngày 25/5 gồm: 45 ca mới được công bố lúc 6 giờ sáng; 87 ca mới được công bố lúc 12 giờ trưa và 243 ca mới được công bố lúc 20 giờ tối.
Bộ Y tế tiếp nhận tiền và vaccine hỗ trợ phòng, chống COVID-19
Ngày 25/5, Bộ Y tế tiếp nhận hỗ trợ 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vaccine từ các tập đoàn, doanh nghiệp cho việc mua và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Để thực hiện những chiến lược tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất, bao phủ rộng nhất, yếu tố rất quan trọng là cần nguồn tài chính đảm bảo, do đó việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng góp tài chính cho Quỹ vaccine là cần thiết. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là huy động mọi nguồn lực trong xã hội làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo tiếp cận rộng nhất để người dân được tiêm vaccine, nhằm kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vắc xin. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vaccine cho toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Như vậy, cho đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vaccine phòng COVID-19, tuy nhiên nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.
Bắc Ninh lập 115 chốt kiểm dịch; đình chỉ công tác Chủ tịch xã để xuất hiện chùm 17 ca mắc COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt thời gian qua phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, UBND TP Bắc Ninh đã quyết định thành lập 115 chốt chặn kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Các chốt này có nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn thành phố. Đối với những người đến từ vùng dịch không cho vào địa bàn thành phố; kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên các phương tiện…
Trong ngày, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) Nguyễn Xuân Đương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Đặng Thái Dũng, Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức, nhiệm kỳ 2016-2021, do để nảy sinh chùm 17 ca mắc COVID-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 24/5, ông Đặng Thái Dũng bị tạm đình chỉ công tác từ ngày 25 đến hết ngày 31/5. Ông Dũng có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc của UBND xã cho ông Nguyễn Viết Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy về phụ trách, điều hành UBND xã Nguyệt Đức.
Trước đó, trong đêm 23/5, tỉnh Bắc Ninh phát hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng ở xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành. Ngay lập tức, địa phương này được phong tỏa và 1.300 người được xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 17 trường hợp có kết quả dương tính SARS-CoV-2 (Bộ Y tế đã công bố ngày 24/5).
Biến chủng virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, các trường hợp ủ bệnh khó đoán
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, một số trường hợp ủ bệnh dài, xét nghiệm tới lần thứ 3 mới dương tính, rất khó đoán.
Ngày 25/5, trao đổi về tình hình điều trị các bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng hiện nay, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Đến nay, tỷ lệ bệnh nhận nặng trong đợt dịch thứ 4 chưa có nhiều thay đổi. Hiện, mới chỉ có 1 bệnh nhân tử vong là ở độ tuổi còn trẻ, không rõ bệnh nền, có diễn biến viêm phổi nhanh; còn lại các bệnh nhân khác tử vong chủ yếu là do các bệnh nhân nặng bệnh nền, tuổi cao. Trong hơn nửa tháng qua với 2.000 bệnh nhân chúng ta chỉ ghi nhận 5 ca tử vong. Việt Nam vẫn làm chủ được tình hình; tuy nhiên, với diễn biến dịch hiện nay ở các khu công nghiệp, có sự gia tăng bệnh nhân đột biến vẫn phải hết sức cảnh giác, tập trung mọi biện pháp để cố gắng giảm tối đa tỷ lệ tử vong.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thực tế, vừa qua, có người dù đã xét nghiệm 2 lần âm tính nhưng đến lần 3 lại cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Điều này cho thấy, thời gian ủ bệnh dài, có lúc virus được phát hiện nhanh, nhưng có lúc lại lâu hơn, rất khó đoán. Vì vậy, việc cách ly, theo dõi, quản lý ở các khu cách ly vô cùng quan trọng; nhất là ở các khu cách ly các các trường hợp từ F1 nhảy lên F0 rất nhiều.
9 tỉnh đã có bản đồ số thông tin dịch tễ COVID-19
Lạng Sơn là tỉnh thứ 9 trên cả nước vừa ra mắt phần mềm bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 (CovidMaps), cho phép theo dõi tình hình dịch theo thời gian thực. Trước đó, 8 tỉnh khác cũng đã triển khai CovidMaps, gồm: Đà Nẵng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Gia Lai, Phú Yên.
Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 không chỉ giúp cộng đồng theo dõi trực quan thông tin dịch tễ các ca bệnh tại địa phương thông qua mạng internet, mà còn giúp chính quyền có thêm giải pháp công nghệ số để phục vụ quản lý, điều hành trong phòng chống dịch. CovidMaps sẽ giúp cộng đồng theo dõi trực quan thông tin dịch tễ các ca bệnh tại địa phương thông qua mạng internet và đây cũng cũng là giải pháp công nghệ số để phục vụ quản lý, điều hành trong phòng chống dịch.
CovidMaps cung cấp thông tin dịch tễ COVID-19, giúp người dân không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch. Người dân có thể xem những điểm cách ly tập trung, các vùng cách ly y tế và chốt kiểm soát dịch bệnh tại tỉnh hiển thị trên bản đồ theo thời gian thực. Bản đồ cũng thông báo khu vực sinh sống và địa điểm tiếp xúc của bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong vòng 14 ngày. Điều này giúp người dân dễ dàng xác định được lộ trình người nhiễm COVID-19 và các điểm cách ly tập trung để không di chuyển đến.