Tổng hợp COVID-19 ngày 30/9: Ghi nhận 7.940 ca nhiễm mới; kiểm soát người ra, vào TP Hồ Chí Minh
Trong ngày 30/9, dư luận quan tâm đến các thông tin phòng chống dịch như: Tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An; Việt Nam ghi nhận 7.940 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; người lao động đã tiêm đủ mũi vaccine qua 14 ngày không cần xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ; Hà Nội thêm 2 ca dương tính mới trong cộng đồng…
Tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An
Ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1265/CĐ-TTg về việc tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Công điện gửi UBND TP Hồ Chí Minh; các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Công điện nêu rõ: Với sự hợp tác, hỗ trợ, chi viện của các lực lượng trung ương, các địa phương, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An (gọi là "Khu vực") đã rất nỗ lực, từng bước kiểm soát dịch bệnh và đang thực hiện các điều chỉnh cần thiết để khôi phục sản xuất, kinh doanh, dần đưa cuộc sống của nhân dân về trạng thái bình thường mới một cách an toàn, chắc chắn.
Yêu cầu đi lại của người dân trong "Khu vực" và với các tỉnh, thành phố khác là rất lớn và chính đáng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong "Khu vực" dù đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn phức tạp do dịch bệnh đã nhiễm sâu trong cộng đồng. Mặt khác, người dân trong "Khu vực" đã được ưu tiên tiêm vaccine mũi 1 nhưng vẫn có thể bị nhiễm virus và lây truyền cho người khác trong khi độ bao phủ vaccine tại các địa phương khác còn thấp; nếu dịch bệnh lan rộng sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra vào "Khu vực". Việc đưa đón người ra, vào "Khu vực" phải được chính quyền các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" và tỉnh, thành phố khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo. Chính quyền TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, thành phố khác ngoài "Khu vực".
Các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" tuyên truyền, vận động và có sự hỗ trợ cần thiết để động viên nhân dân không tự ý di chuyển về quê; phối hợp đưa công nhân, người lao động đã về quê trở lại các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" để khôi phục sản suất, kinh doanh.
Các tỉnh, thành phố bên trong "Khu vực" thống nhất phương án quản lý người dân di chuyển bên trong "Khu vực" tạo thuận lợi cho khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.
Ngày 30/9, Việt Nam ghi nhận 7.940 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại 36 tỉnh, thành phố
Tính từ 17 giờ ngày 29/9 đến 17 giờ ngày 30/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.940 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong ngày có 25.322 bệnh nhân khỏi bệnh.
Trong số các ca nhiễm mới, có 3 ca nhập cảnh và 7.937 ca ghi nhận trong nước (giảm 807 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 4.550 ca trong cộng đồng).
Cập nhật bổ sung mã và thông tin cho 3.417 ca dương tính phát hiện bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại TP Hồ Chí Minh đã được thông tin vào ngày 28/9/2021 (như vậy tổng số ca nhiễm mới của TP Hồ Chí Minh vào ngày 28/9/2021 là 3.794 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh ( giảm 327 ca), Bình Dương (giảm 286 ca), Đồng Nai (giảm 273 ca).
Trong ngày 30/9, cả nước ghi nhận 159 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (106 ca), Bình Dương (30 ca), An Giang (7 ca), Đồng Nai (6 ca), Kiên Giang (3 ca), Tiền Giang (2 ca), Đồng Tháp (1 ca), Gia Lai (1 ca), Tây Ninh (1 ca), Cần Thơ (1 ca), Quảng Bình (1 ca).
Người lao động đã tiêm đủ mũi vaccine qua 14 ngày không cần xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ
Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, để tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa phương trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
Việc thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động như sau: Với các tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao: Xét nghiệm hàng tuần tối thiểu cho 20% người lao động với người lao động có nguy cơ cao (tổ trưởng, tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân…); xét nghiệm hàng tuần cho toàn bộ người lao động với người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh).
Với các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và có nguy cơ: Xét nghiệm 2 tuần/lần tối thiểu cho 5- 10% người lao động với người lao động có nguy cơ cao (tổ trưởng, tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân…); xét nghiệm 2 tuần/lần cho toàn bộ người lao động với người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh).
Bộ Y tế cũng lưu ý không thực hiện xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vaccine (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng (nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc).
Đến chiều 30/9, Hà Nội thêm 2 ca dương tính mới trong cộng đồng
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 30/9, Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc mới tại cộng đồng, thuộc chùm sàng lọc ho sốt.
Các ca nhiễm mới phân bố tại quận Hoàn Kiếm, thuộc chùm sàng lọc ho sốt. Cụ thể:
Bệnh nhân P.Đ.T., nam, sinh năm 1972; ở Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Bệnh nhân là người nhà vào chăm sóc người bệnh điều trị tại khoa Ung Bướu, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ ngày 19/9. Ngày 30/9, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính (do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân C.H.N., nam, sinh năm 1998; ở Phủ Doãn, Hàng Trống, Hoàn Kiếm. Ngày 29/9, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ngày 30/9 đi khám tại Bệnh viện Medlatec được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Như vậy tính từ 18 giờ ngày 29/9 đến 18 giờ ngày 30/9, Hà Nội ghi nhận 2 bệnh nhân tại cộng đồng.
Khi nào TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em?
Ngày 30/9, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Thành phố sẽ đa dạng hóa nguồn vaccine, huy động mọi nguồn lực để đạt bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất.
Tại cuộc họp báo thông tin về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước khôi phục phát triển kinh tế, xã hội TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hòa Bình cho biết, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục ưu tiên tiêm vacicne đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao như có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai, lực lượng sản xuất... TP Hồ Chí Minh cũng sẽ triển khai tiêm vaccine cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp.
"Trẻ em khi chưa tiêm vaccine thì không để các em tự ý ra đường tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Trẻ em dưới 18 tuổi hiện đang học online, chưa có việc cần thiết nên không để các em ra đường, không tham gia lưu thông bằng xe máy", ông Lê Hòa Bình nói thêm.
Trong chỉ thị mới về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh vừa được ban hành, Thành phố tiếp tục tổ chức dạy học gián tiếp, trên môi trường internet, qua truyền hình; từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy học trực tiếp.