Tổng hợp vướng mắc trong triển khai Nghị định 116
Bộ GD&DT đang tổng hợp vướng mắc, phản ánh trong quá trình triển khai Nghị định 116 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi phù hợp.
Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị ban hành hướng dẫn cụ thể về chính sách đặc thù tuyển dụng đối với sinh viên sư phạm được đào tạo theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, cũng như đào tạo theo nhu cầu xã hội theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Làm sao để các sinh viên này sau khi tốt nghiệp (nếu có kết quả học tập, rèn luyện tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ) thì được xét tuyển dụng vào làm việc trong cơ sở giáo dục và không bị rủi ro phải bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước do không trúng tuyển. Đặc biệt, sinh viên thuộc gia đình khó khăn, việc hoàn trả kinh phí cho ngân sách nhà nước càng khó hơn, dẫn đến nhiều vướng mắc khó xử lý trong việc theo dõi, đôn đốc thu hồi kinh phí.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó có đội ngũ giáo viên được thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức và quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP (Nghị định 116) chỉ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, bồi hoàn kinh phí hỗ trợ và để đảm bảo nhu cầu sử dụng giáo viên gắn với nhu cầu đào tạo.
Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ thực trạng thừa, thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng. Đồng thời tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 116 quy định, đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng chính sách, khó khăn thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, đặc thù của sinh viên sư phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phương thức thu hồi, chính sách miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn.
Như vậy theo quy định trên, sinh viên đã hưởng chính sách không công tác trong ngành Giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp thì sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Trường hợp sinh viên thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phương thức thu hồi, chính sách miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn.
Bộ GD&DT tiếp thu kiến nghị của cử tri và đang tổng hợp các vướng mắc, phản ánh trong quá trình triển khai Nghị định 116 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi cho phù hợp.