Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 về tín dụng chính sách xã hội
Đối với Bình Phước, đến nay tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt gần 4.500 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2014. Đã hỗ trợ hơn 269 ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 0,4% vào cuối năm 2023.
Chiều 14-8, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Dự tại điểm cầu Bình Phước có: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Phước Trương Thanh Dũng.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến hết tháng 7-2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt trên 373 ngàn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hằng năm đạt 10,8%. Kể từ khi có Chỉ thị số 40 các địa phương trong cả nước đã chú trọng, quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến tháng 7-2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 47.350 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn. Qua đó tạo điều kiện giúp trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn thông qua 10.455 điểm giao dịch xã trên cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với tinh thần "tất cả cùng phát triển", "không ai bị bỏ lại phía sau", cùng chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Với những kết quả đạt được sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một "điểm sáng" và là một "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hôịmở rộng quy mô tín dụng, nâng cao quy mô cho vay, tăng cường đối tượng cho vay, nhất là đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế, tạo điều kiện cho những người yếu thế phát huy sức mạnh nội sinh, tự tin, tự lực, tự cường, vượt lên khó khăn, thách thức, nghịch cảnh, thoát nghèo, tiến tới làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ; góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội rất nhân văn, bao trùm, tổng thể, toàn diện của Đảng, Nhà nước ta.