Tổng kết, đánh giá đầy đủ các lợi ích, hạn chế của hợp đồng BT trước khi luật hóa

Về hợp đồng BT, xây dựng chuyển giao, lĩnh vực này chỉ mới cho phép áp dụng thực hiện thí điểm ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An và chưa được tổng kết đánh giá tác động đầy đủ, rút kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với cơ quan thẩm tra chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế trình tự thủ tục của loại hợp đồng BT, đảm bảo không thể xảy ra tiêu cực như thời gian qua...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 6/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Nghiên cứu hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Luật Đấu thầu, các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi 4 luật. Các vấn đề khó, vướng chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn đã được đưa vào dự thảo để sửa đổi nhằm giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện dự án và giảm gánh nặng cho nhà đầu tư, khơi thông nguồn lực và tạo động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển.

XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ CHÊNH LỆCH GIỮA CÔNG TRÌNH VÀ QUỸ ĐẤT THANH TOÁN

Góp ý dự thảo Luật Đầu tư, về thủ tục đầu tư đặc biệt Điều 36a bổ sung sau Điều 36, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh cho rằng việc phân cấp thẩm quyền cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế là một hướng đi hợp lý, giúp rút ngắn quy trình, giảm tải cho các cấp cao hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án.

Tuy nhiên, cần phải đi kèm với các tiêu chí cụ thể về năng lực và nguồn lực cho từng ban quản lý để đảm bảo khả năng thực hiện nhiệm vụ; cần bổ sung các chế tài rõ ràng về trách nhiệm của ban quản lý đối với các dự án có quy mô và tính chất phức tạp nhằm đảm bảo tính minh bạch và tránh tình trạng buông lỏng quản lý.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu để bổ sung danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt, trong các luật chuyên ngành như Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học và Công nghệ. Việc thống nhất trong các quy định này là cần thiết để tránh trùng lặp, chồng chéo.

Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh.

Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh.

Cùng với đó, việc miễn một số thủ tục theo pháp luật về xây dựng, môi trường hay phòng cháy, chữa cháy nhằm giảm chi phí cho nhà đầu tư là hợp lý. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng và cạnh tranh lành mạnh, nên quy định rõ ràng các điều kiện áp dụng, hạn chế đối tượng áp dụng ưu đãi đặc biệt này cho các dự án có quy mô lớn và có tác động kinh tế- xã hội rõ rệt, tránh trường hợp lợi dụng chính sách.

Mặt khác, Điều 36a hiện đang mâu thuẫn với quy định của Luật Bảo vệ môi trường về cấp giấy phép môi trường. Đề nghị rà soát kỹ để đảm bảo đồng bộ quy định và tính khả thi trong thực hiện, tránh tạo rào cản pháp lý làm khó khăn cho nhà đầu tư khi triển khai dự án. Chính phủ cần báo cáo chi tiết về các tác động tiêu cực và nguy cơ rủi ro đối với việc miễn giảm thủ tục môi trường, đặc biệt trong bối cảnh ưu tiên bảo vệ môi trường hiện nay.

Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo đại biểu Thạch Phước Bình, việc mở rộng tất cả các lĩnh vực đầu tư của dự án PPP có thể tăng cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, điều này cần dựa trên đánh giá thực tiễn của các địa phương thí điểm như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để đảm bảo có cơ sở vững chắc về hiệu quả, nhất là khi có những thách thức chưa được tổng kết đầy đủ từ việc triển khai PPP trong các lĩnh vực này.

Việc giảm bớt các bước phê duyệt đầu tư có thể rút ngắn thời gian thực hiện nhưng lại có nguy cơ giảm kiểm soát hiệu quả và khả năng tránh rủi ro cho Nhà nước. Đại biểu đề nghị xem xét cụ thể cơ sở để bỏ các quy trình này và đánh giá tác động từ việc loại bỏ này để tránh các rủi ro phát sinh. Loại hợp đồng BT tại một số địa phương chưa được tổng kết đầy đủ.

Vì vậy, cần xác định rõ hơn các lợi ích, hạn chế của hợp đồng BT trước khi luật hóa. Đề xuất rõ ràng hơn về việc thanh toán bằng quỹ đất để đảm bảo giá trị thanh toán tương ứng với công trình BT, tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước. Đề nghị làm rõ quy trình xác định giá trị chênh lệch giữa công trình và quỹ đất thanh toán.

Theo đại biểu, đề xuất tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tối đa là 70% trong các trường hợp đặc biệt là hợp lý. Tuy nhiên, cần bổ sung rõ hơn căn cứ, tiêu chí áp dụng nhằm tránh trường hợp tỷ lệ cao dễ bị lạm dụng. Đề xuất mở rộng thẩm quyền quyết định vốn nhà nước tham gia các dự án lớn hơn cho các cơ quan có thẩm quyền khác ngoài Thủ tướng Chính phủ và HĐND cấp tỉnh để bảo đảm sự đồng bộ trong thẩm quyền.

Còn theo quan điểm của đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc nêu ý kiến, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, tại khoản 1 Điều 45a quy định về hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất. Đại biểu cho rằng không nên thanh toán bằng quỹ đất, bởi nếu là quỹ đất sạch thì giá đất được xác định theo bảng giá đất do HĐND tỉnh ban hành trong năm, không thông qua đấu giá đất đối với đất chưa giải phóng mặt bằng nhưng lại được giao đất theo quy định tại điểm c là chưa phù hợp.

Do đó đại biểu đề nghị, nên thanh toán đối với các dự án theo hợp đồng BT bằng tiền ngân sách nhà nước hoặc từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất như thí điểm tại một số tỉnh. Tức là, cùng với thời điểm thực hiện công trình BT, nhà nước tiến hành đấu giá đất đối với những quỹ đất sạch do nhà nước quản lý hoặc nhà nước quy hoạch ngay khu đất để bán đấu giá thu tiền để thanh toán cho dự án BT.

TỔNG KẾT ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG ĐẦY ĐỦ, RÚT KINH NGHIỆM THỰC TẾ

Nhấn mạnh sự cần thiết việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn An Giang cho rằng đây là một lĩnh vực được các doanh nghiệp rất quan tâm và có nhu cầu rất cao.

Đại biểu đề xuất nên giảm quy mô đối với các công trình đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực giao thông. Bởi vì các công trình do nhà đầu tư đăng ký thực hiện theo phương thức đối tác công tư thường có quy mô nhỏ hơn hạn mức quy định tại Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tức là thấp hơn 200 tỷ.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 35 năm 2021 của Chính phủ lại quy định các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực giao thông vận tải bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải... yêu cầu tổng mức đầu tư phải từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Như vậy, với hạn mức đầu tư như trên thì các công trình thực hiện theo phương thức đối tác công tư rất khó thực hiện ở các địa phương.

Do đó, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh, tạo điều kiện mở rộng cơ hội thực hiện các dự án này, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông ở địa phương và đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong luật.

Nêu quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua, nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP còn rất hạn chế.

Vị đại biểu này lý giải, các dự án khó giải phóng mặt bằng, lưu lượng người lưu thông ít, đồi núi... thì kêu gọi đầu tư PPP. Trong khi đó, những dự án thuận lợi giải phóng mặt bằng, lưu lượng xe lưu thông nhiều được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp.

“Đây là điều không hợp lý, thiếu công bằng với dự án PPP nên không thu hút được nhà đầu tư”, đại biểu Hòa nhấn mạnh.

Mặt khác, việc chưa giải quyết dứt điểm các dự án BOT còn tồn tại ở các địa phương như chưa được phép thu phí hoặc chấm dứt thu phí, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi một số nội dung điều chỉnh cho các dự án PPP là cần thiết.

Về quy mô đầu tư theo phương thức công tư và quy mô tối thiểu trên các lĩnh vực, đại biểu cho rằng điều này sẽ góp phần tạo điều kiện, gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư vào các dự án PPP.

Tuy nhiên, các dự án PPP được áp dụng “cơ chế chia sẻ phần trăm giảm doanh thu” có thể dẫn đến rủi ro cho nhà nước nhiều hơn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng từng dự án để có hiệu quả cho nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước và nhà đầu tư.

Về quy định dự án PPP không phải thực hiện các bước thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu đề nghị cân nhắc phải có thẩm định để rõ nguồn vốn, khách quan trong đầu tư và có thời gian thực hiện nhằm hạn chế nhà đầu tư lách luật, kéo dài thời gian để thu phí.

Về hợp đồng BT, xây dựng chuyển giao, lĩnh vực này chỉ mới cho phép áp dụng thực hiện thí điểm ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An và chưa được tổng kết đánh giá tác động đầy đủ, rút kinh nghiệm thực tế.

Vì vậy, đại biểu đồng tình với cơ quan thẩm tra là chưa đủ cơ sở để Luật hóa các quy định về cơ chế trình tự thủ tục của loại hợp đồng BT, đảm bảo cho việc không thể xảy ra tiêu cực như thời gian qua.

"Việc chuyển giao cho nhà đầu tư bằng tiền, bất động sản nếu chưa tính toán đầy đủ sẽ bị thất thoát tài sản nhà nước hoặc nhà đầu tư bị thiệt thòi". Vì vậy, đại biểu Hòa đề nghị tùy theo các dự án thay vì BT, nhà nước đầu tư công hoặc đầu tư PPP sẽ thuận lợi hơn.

Đỗ Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tong-ket-danh-gia-day-du-cac-loi-ich-han-che-cua-hop-dong-bt-truoc-khi-luat-hoa.htm