Tổng kết mô hình quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu trên cây ngô

Ngày 28/11, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức Hội thảo đầu bờ mô hình quản lý tổng hợp IPM sâu keo mùa thu (IPM/IPHM) trên cây ngô. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Các đại biểu tham quan mô hình.

Các đại biểu tham quan mô hình.

Mô hình quản lý tổng hợp IPM sâu keo mùa thu (IPM/IPHM) trên cây ngô được trình diễn trên giống ngô NK 6275 tại xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, với diện tích năm héc ta, 96 hộ tham gia. Các hộ đã được tập huấn, chuyển giao biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu keo mùa thu, như xử lý hạt giống bằng thuốc Cruiser Plus 312.5FS, sử dụng bẫy bả chua ngọt, bẫy pheramon để thu hút, tiêu diệt sâu trưởng thành.

Qua đánh giá kết quả thực hiện cho thấy, mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý sâu keo mùa thu IPM/IPHM, sử dụng giống tiết kiệm, áp dụng các biện pháp canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học,... cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, mật độ sâu gây hại thấp hơn so với tập quán, hạn chế được ba lần phun thuốc bảo vệ thực vật/vụ, tiết kiệm được lượng giống, phân bón, thuốc BVTV giảm chi phí đầu tư cho sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời dễ áp dụng trong sản xuất, góp phần hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học ra ngoài môi trường và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, giảm về mối nguy hại đối với môi trường đất, nước, không khí, bảo vệ sức khỏe cho người dân, cộng đồng, tạo ra sản phẩm an toàn. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý sâu keo mùa thu IPM/IPHM, cho lợi nhuận cao hơn so với tập quán địa phương trên 9 triệu đồng/ha, tương đương trên 300 nghìn đồng/sào.

Mô hình quản lý tổng hợp IPM sâu keo mùa thu (IPM/IPHM) trên cây ngô sử dụng bẫy bả chua ngọt để thu hút và tiêu diệt sâu trưởng thành trước khi sâu non gây hại, góp phần giảm thiểu được thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra.

Mô hình quản lý tổng hợp IPM sâu keo mùa thu (IPM/IPHM) trên cây ngô sử dụng bẫy bả chua ngọt để thu hút và tiêu diệt sâu trưởng thành trước khi sâu non gây hại, góp phần giảm thiểu được thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra.

Để tiếp tục quản lý có hiệu quả đối với sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho địa phương triển khai mô hình Quản lý sâu keo mùa thu (IPM/IPHM) trên cây ngô; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân áp dụng quản lý sâu keo mùa thu nhằm giảm chi phí sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/tong-ket-mo-hinh-quan-ly-tong-hop-sau-keo-mua-thu-tren-cay-ngo/202768.htm