Tổng kết và trao giải cuộc thi 'Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023'
Chiều 11-5, tại Nhà hát Lam Sơn (TP Thanh Hóa), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi 'Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023'.
Dự lễ tổng kết và trao giải có các đồng chí: PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi; Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.
Diễn ra từ ngày 6 đến 10-5, cuộc thi “Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023” quy tụ sự tham gia của 11 đơn vị, với 38 diễn viên và 37 trích đoạn.
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi “Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023” nhấn mạnh: Tham gia cuộc thi, các đơn vị đã đầu tư khá kỹ về chất lượng nghệ thuật. Các trích đoạn tham gia lần này được khai thác dựa trên yếu tố tự sự, kịch tính, trữ tình để làm cơ sở cho nghệ sĩ biểu diễn, phát huy những yếu tố cơ bản: thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần. Nhiều trích đoạn được các NSND, NSƯT, những người có tay nghề cao truyền dạy nên nhiều nghệ sĩ đã thể hiện hết mình để phô diễn tài năng. Cuộc thi lần này không có giới hạn độ tuổi, có nghệ sĩ đã nhiều năm trong nghề lại được học tập, rèn luyện kỹ càng, có nhiều kinh nghiệm, nên các phần trình diễn đạt chất lượng cao kể cả ở những trích đoạn hiện đại vốn không phải là thế mạnh của nghệ thuật Tuồng.
Về Dân ca kịch là một loại hình nghệ thuật sân khấu hình thành và phát triển trên những bài hát dân ca. Cuộc thi tài năng sân khấu lần này có 2 loại hình Dân ca kịch tham gia đó là Dân ca kịch Bài Chòi, Dân ca kịch Huế. Với số lượng áp đảo, Dân ca kịch Bài Chòi chiếm 90% số lượng đăng kí dự thi, gồm các trích đoạn về đề tài lịch sử như: Bùi Thị Xuân hồi triều; Chế Mân trong Độc dược. Về đề tài hiện đại có Góc khuất, Một mạng người, Nỗi đau tình mẹ, Chuyện bên dòng sông Thu... Dân ca kịch Huế có 1 trích đoạn Viên đạn súng kíp. Các nghệ sĩ đã kết hợp giữa 2 yếu tố cơ bản đó là “kịch tính”, “trữ tình” để tăng sự hấp dẫn của trích đoạn tạo nên điểm nhấn trong cấu trúc để xây dựng hình tượng nhân vật, sử dụng điêu luyện những làn điệu dân ca nhằm phát huy giá trị đặc trưng cốt lõi của loại hình nghệ thuật.
Nếu trong các trích đoạn Tuồng những nhân vật truyền thống: Tướng, Đào, Lão, Kép, Mụ... theo một khuôn mẫu từ hóa trang, phục trang cho tới nghệ thuật biểu diễn, thì Dân ca kịch nhân vật trên sân khấu là cuộc sống đời thường (dù là đề tài lịch sử) vẫn được tự do sáng tạo, không bị một quy định nào gò bó.
Tuy nhiên, tham gia cuộc thi còn có nhiều đơn vị chưa đầu tư để nâng cao chất lượng nghệ thuật, chưa mời các đạo diễn, tác giả bố cục làm mới trích đoạn tham gia cuộc thi mà chỉ trích một số đoạn gán ghép lại với nhau nên có trích đoạn người xem không hiểu hết các mối quan hệ của nhân vật; nhiều nghệ sĩ biểu diễn chỉ quan tâm tới kỹ thuật hát múa, mà quên mất tình huống hoàn cảnh nhân vật đang diễn ra…
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 8 giải nhất, 9 giải nhì, 2 giải sáng tạo cho các thí sinh đến từ các đơn vị tham gia dự thi.
Sau khi kết thúc cuộc thi “Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023”, các đơn vị nghệ thuật sẽ tiếp tục phần dự thi Cuộc thi “Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc - 2023” từ ngày 11 đến hết ngày 16-5.
Cuộc thi “Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc - 2023” và “Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023” sẽ bế mạc vào ngày 17-5.