Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 5/6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đăng đàn trước Quốc hội để trả lời các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kiểm toán. Đây là lần đầu ông Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn.

Điều hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã có Báo cáo 11 trang, nêu chi tiết các nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn tại Kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn đối với 3 nhóm vấn đề, gồm: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước; Giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Trong phiên chất vấn, khi cần thiết, Chủ tịch Quốc hội sẽ mời Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; lãnh đạo Bộ Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Rút kinh nghiệm qua một ngày chất vấn và để phiên chất vấn còn lại đạt kết quả tốt hơn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: Các đại biểu chất vấn chỉ nêu những vấn đề, nội dung trong phạm vi, lĩnh vực chất vấn của Kỳ họp này; Nội dung chất vấn đại biểu trước đã trao đổi thì đại biểu sau không nên hỏi lại; người trả lời chất vấn không nên trả lời chung chung mà phải có trọng tâm, trọng điểm, có minh chứng, lý lẽ, căn cứ thuyết phục từng vấn đề cụ thể, nhất là nhận định, đánh giá, quan điểm, giải pháp, lộ trình, thời gian khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, đến tháng 12/2023, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 31.719 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 92%; kiến nghị khác là hơn 30.566 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 83%.

Ngoài ra, đối với các kiến nghị kiểm toán trước năm 2022, trong năm 2023 các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm gần 10.303 tỷ đồng.

Các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75 - 80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15 - 20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.

Nêu khái quát công việc ngành kiểm toán thực hiện trong thời gian qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, về vấn đề chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm toán luôn được Kiểm toán Nhà nước quan tâm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để khắc phục, hạn chế tối đa ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm của Kiểm toán Nhà nước. Qua đó, kịp thời phối hợp xử lý các trường hợp phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Theo ông Ngô Văn Tuấn, với chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra sai phạm trong từng khâu, từng thời điểm giúp đơn vị có sai sót chấn chỉnh kịp thời, có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, hằng năm Kiểm toán Nhà nước cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan chức năng để xem xét thanh tra, kiểm tra và giám sát các đơn vị theo chức năng và thẩm quyền.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán Nhà nước được Kiểm toán Nhà nước đặc biệt coi trọng. Kiểm toán Nhà nước luôn quan tâm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ đi đôi với rèn luyện phẩm chất của người Kiểm toán viên Nhà nước.

Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán để ngăn chặn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những hành vi tiêu cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước không tránh khỏi có những tồn tại, hạn chế, Tổng Kiểm toán Nhà nước mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội để Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tong-kiem-toan-nha-nuoc-ngo-van-tuan-tra-loi-chat-van-171730.html