Tổng LĐLĐ Việt Nam khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Công đoàn tại Hà Nội
Chiều 14/9, Đoàn khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với LĐLĐ thành phố Hà Nội.
Dự buổi khảo sát có các đồng chí: Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam; Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Minh Dũng - Phó Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam; Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; lãnh đạo các Ban LĐLĐ Thành phố; đại diện Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Báo cáo tại buổi khảo sát, đồng chí Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ Lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội, cho biết, ngay sau khi Luật Công đoàn năm 2012 được Quốc hội thông qua, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị về triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2012 tới các cấp ủy Đảng trên địa bàn Thành phố.
LĐLĐ Thành phố cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2012 và các văn bản chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam phù hợp với thực tiễn địa phương.
Để triển khai có hiệu quả Luật Công đoàn 2012, LĐLĐ Thành phố đã tổ chức hơn 400 cuộc tuyên truyền, quán triệt Luật Công đoàn 2012 cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên Công đoàn, người lao động. Các cấp Công đoàn đã biên soạn và in ấn 22.500 bộ tài liệu học tập cung cấp cho cơ sở; mở 421 lớp học tìm hiểu về Luật mới cho trên 63.000 lượt đoàn viên, người lao động; xây dựng tủ sách pháp luật với hàng trăm nghìn đầu sách để phục vụ cho công nhân, lao động tìm hiểu, tra cứu các văn bản pháp luật.
Theo đồng chí Tạ Văn Dưỡng, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung thực hiện các quy định trong Luật Công đoàn năm 2012, gồm: Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn; Việc thực hiện các quy định của Luật Công đoàn 2012 về các hành vi bị nghiêm cấm; Quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; Quyền tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…
Đồng chí Tạ Văn Dưỡng cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Công đoàn 2012. Cụ thể, nhiều chủ doanh nghiệp tìm mọi cách né tránh, trì hoãn, không tạo điều kiện để người lao động thực hiện quyền gia nhập, thành lập Công đoàn; nhiều tổ chức Công đoàn cơ sở, tuy đã được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, quyền đại diện của Công đoàn mang tính hình thức, quyền đại diện trong việc ký Thỏa ước lao động tập thể còn gặp khó khăn; hoạt động Công đoàn ở nhiều doanh nghiệp tư nhân và FDI vẫn còn chưa thực chất.
Từ thực tiễn thực hiện Luật Công đoàn năm 2012, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã có nhiều đề xuất, kiến nghị thiết thực, như: Đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp của Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam với các cấp ủy tỉnh, thành phố để thống nhất chỉ đạo hoạt động của các LĐLĐ địa phương, nhất là trong công tác quản lý tổ chức bộ máy, biên chế.
Bên cạnh đó, trong Luật Công đoàn sửa đổi cần nêu rõ những hành vi cụ thể, mức phạt nghiêm khắc đối với những hành vi của chủ doanh nghiệp trong việc cản trở, trù dập, gây khó khăn cho người lao động khi thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn; có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những đơn vị có hành vi chống đối việc thành lập tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nói riêng và trong các tổ chức nói chung.
Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề như: Khó khăn trong việc phát triển tổ chức Công đoàn; công tác thu, chi tài chính công đoàn; vấn đề thành lập tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp; xử lý các trường hợp vi phạm Luật Công đoàn…
Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã ghi nhận những kết quả cũng như giải pháp mà các cấp Công đoàn Thủ đô đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Luật Công đoàn năm 2012; đồng thời cho biết những đề xuất, kiến nghị của LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ góp phần phục vụ công tác điều chỉnh, sửa đổi Luật Công đoàn trong thời gian tới.