Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Quốc hội về thu, chi, quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật Công đoàn năm 2024 có quy định mới là định kỳ 2 năm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn; đồng thời Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội cùng thời điểm.

Công đoàn có quyền chủ trì giám sát, phản biện xã hội

“Điểm mới của Luật Công đoàn năm 2024 là đã bổ sung quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người làm việc không có quan hệ lao động. Quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài (nhưng không có quyền thành lập). Bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức nước ngoài tại doanh nghiệp”. Đây là thông tin được Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật được Quốc hội thông qua.

Nhấn mạnh Luật đã quy định cụ thể hơn đối với 10 nhóm quyền, trách nhiệm của Công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý, quyền chủ trì giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn được bổ sung mới, bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng, hệ thống pháp luật và thực tiễn hoạt động của Công đoàn.

 Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin về Luật Công đoàn năm 2024

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin về Luật Công đoàn năm 2024

Theo đó, Công đoàn đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và kiến nghị xây dựng pháp luật; tham dự kỳ họp, phiên họp, cuộc họp và hội nghị; tham gia kiểm tra, thanh tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; giám sát của Công đoàn; phản biện xã hội; tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động; phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; quyền, trách nhiệm của Công đoàn đối với người lao động ở nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Luật còn quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, trong đó, bổ sung quyền được thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn với doanh nghiệp gặp khó khăn

Tài chính Công đoàn là một trong những nội dung quan trọng của Luật. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ, Luật năm 2024 vẫn giữ nguyên quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt nơi đã thành lập hay chưa thành lập công đoàn, đều phải có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động”.

Đồng thời, bổ sung quy định xem xét miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi gặp khó khăn. Bổ sung và làm rõ hơn các nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn. Bổ sung quy định phân phối kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Luật cũng bổ sung các quy định bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra kiểm toán, giám sát của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính Công đoàn và bảo đảm nguyên tắc tự chủ về tài chính của Công đoàn.

Luật có quy định mới là định kỳ 2 năm một lần Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn; và định kỳ 2 năm một lần, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính Công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội cùng thời điểm; thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

“Công khai tài chính Công đoàn được thực hiện theo các hình thức như: Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức đơn vị doanh nghiệp; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cá nhân có liên quan; thông báo tại Hội nghị cán bộ, công chức viên chức, người lao động hàng năm; đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.

Đặc biệt, Luật cũng sửa đổi quy định bảo đảm cho cán bộ công đoàn theo hướng: Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của “công đoàn cấp trên trực tiếp”.

Công đoàn có trách nhiệm “đại diện theo pháp luật” khởi kiện vụ việc ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn khi bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật, trừ trường hợp cán bộ công đoàn từ chối.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-bao-cao-quoc-hoi-ve-thu-chi-quan-ly-su-dung-tai-chinh-cong-doan-post400993.html